Tôi đến tòa cùng chị. Chị nói, chị không nói với ai trong gia đình hết về ngày ra tòa hết, hai đứa con nhỏ càng không. Ngày đến với nhau, chị tự quyết định tình yêu ấy, thì giờ chị cũng tự chịu trách nhiệm về việc chia tay này. Với đám trẻ thì có gì hay ho đâu, việc bất đắc bất đừng của cha mẹ đã thông báo rồi mà còn lôi các con vào thêm lần nữa thì chúng càng thêm tổn thương... Vậy nên, tôi là người thân duy nhất đồng hành cùng chị ở phiên tòa. Thật khổ, người đàn bà ngay cả khi lấp lánh nụ cười, đuôi mắt vẫn ánh lên một nỗi buồn khó tả.
Tôi đã phải rất cố gắng để lôi chị ra khỏi sự vật vã khổ đau vì bị người chồng phụ tình. Đàn ông, không hiểu sao khi cơ hàn thì thủy chung gắn bó, khi no đủ thì cơi nới sinh tật. Anh phụ rẫy chị, phụ luôn hai đứa con. Vẫn lấy lí do không hợp, anh ép chị ký đơn. Chị từng nghĩ rằng nhất định phải giữ một mái ấm trọn vẹn cho con, giữ cho mình neo đậu vào sự bình yên ảo. Nhưng anh cứ thế đi miết với bồ. Đi đến quên cả các con và trách nhiệm cần có của một người bố.
Chị vật vã khổ đau rồi bệnh, chị không ăn được, mất ngủ kéo dài, thường xuyên khó thở, tụt huyết áp. Tôi đưa chị đi khám, mọi kết quả, mọi chỉ số xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Bác sĩ kết luận chị bị suy nhược. Tôi đưa chị về sau khi truyền xong ở viện. Không thể kiềm chế nổi, tôi hét lên: “Người ta không yêu chị nữa, sao chị cũng phụ rẫy luôn chính cả thân mình?”. Chị khóc, khóc tức tưởi. Tôi lại thấy nhẹ đi, nỗi đau bật được ra là nỗi đau có thể vợi đi để lành. Ngay hôm sau chị điện: “Chị ký đơn rồi, nhưng ngày ra tòa em nhớ đi cùng chị. Chị chỉ cần em thôi”.
Và đó, giờ đứng trước tòa, anh ta khơi khơi kể những điểm không hợp. Trời, tôi nghĩ thầm, đàn ông sao lại thế, hết tình thì còn nghĩa? Dù gì cũng cùng một chặng đời cùng nhau, cùng chung hai đứa con xinh xắn, chút ấn tượng cuối trong ngõ cụt của hôn nhân sao cũng phải tô đen thêm cho kinh khủng đời nhau?... Chủ tọa hỏi đến chị, chị chỉ một câu nhẹ bẫng: “Tôi chẳng còn gì để nói nữa, chỉ mong mọi thủ tục còn lại thật nhanh...”. Chị, hình như từ đó cũng không thêm một lần nào nhìn sang anh. Nhưng anh thì khác, thái độ ấy của vợ khiến anh có vẻ ngạc nhiên pha lẫn sự hằn học.
Chị từ sau khi đi viện về, có vẻ bớt đi sự tàn nhẫn đối với mình. Chị khỏe hơn, tăng cân trở lại và nụ cười đã nở lại trên môi. Anh không thích như vậy dù chính anh muốn bước ra khỏi tổ ấm của mình. Không một yêu cầu, không một lời kể xấu, các con hỏi chị vẫn một mực nhẹ nhàng: “Ba dạo này bận lắm...”. Nhưng các con chị rất ngoan và tôi tin hai đứa rất hiểu chuyện và thương mẹ. Tôi mừng vì tâm chị đã an.
Có biết bao việc trên đời này xảy đến ngoài dự liệu. Đời người đang phơi phới đột nhiên trời kêu phải dạ, hôn nhân tưởng đâu hạnh phúc đột nhiên phát hiện ra toàn dối lừa... Chẳng có gì là mãi mãi cả. Thực ra không phải tất cả mọi thứ xung quanh mình tốt đẹp thì mình mới thấy vui, mà có khi tâm mình bình an thì nhìn mọi thứ trong cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, sáng sủa.
Xưa cụ Nguyễn Du từng nói: “Thương sao cho vẹn thì thương/ Tính sao cho vẹn mọi đường, xin vâng” (Truyện Kiều), thì nay có lẽ khi đường ai nấy bước, cũng nên nghĩ cho nhau sao được trọn vẹn một con đường. Đừng đóng sập lại cả mối quan hệ mà kẹt những đứa con thơ, kẹt cả một trái tim không thể nào lành nổi thương đau.