Cửa hàng S. tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) bán khá nhiều sản phẩm sữa, trái cây nhập khẩu từ các nước, được nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ. Chúng tôi được giới thiệu, chúng là thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng và dồi dào vitamin, khoáng chất cùng các a-xít béo thiết yếu khác so với những thực phẩm được nuôi trồng theo phương pháp hóa học.
Có những thực phẩm hữu cơ còn được quảng cáo rằng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn 10-20% so với những sản phẩm phi hữu cơ, hoặc hàm lượng dinh dưỡng của rau, quả hữu cơ đều cao hơn rau, quả có sử dụng các loại hóa chất trong canh tác.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi “có nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào chứng minh hay không”, đa phần chủ cửa hàng không trả lời được. Những lời giới thiệu, quảng cáo này giờ đây không phải là hiếm tại nhiều điểm bán thực phẩm hữu cơ.
Nhiều năm trước, tại TP.HCM, xuất hiện những nhà cung ứng gạo hữu cơ được canh tác tại miền Trung “nổ” rằng, gạo này có thể ngừa ung thư, khiến rất nhiều người tìm mua.
Ông Vũ Thế Thành - chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm - cho rằng, hiện có những quảng cáo “quá đáng” khi cho rằng, thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường cùng loại. Thực phẩm hữu cơ hiện nay có thực vật (rau, củ, quả), động vật (thịt) và thực phẩm chế biến.
Nông sản hữu cơ đòi hỏi không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, còn với sản phẩm hữu cơ từ động vật như thịt, sữa thì không được phép sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh đối với vật nuôi và không được phép ngược đãi vật nuôi. Vật nuôi hữu cơ phải được nuôi ở những vùng đất không bị nhiễm các hóa chất độc hại hay kim loại nặng, bảo đảm những tiêu chuẩn không gian sinh sống riêng.
Tuy nhiên, hiện mỗi nơi có những quy định riêng về hữu cơ. Chẳng hạn, việc có cho vật nuôi ăn thức ăn có nguồn gốc từ biến đổi gen (GMO) hay không, hiện vẫn còn gây tranh cãi. Tương tự, vẫn còn ý kiến trái chiều đối với thực phẩm chế biến, chẳng hạn chúng ta sử dụng nhiều sản phẩm hữu cơ có thành phần là đậu nành, nhưng đậu nành có GMO hay không. Châu Âu quy định sử dụng thành phần trên 0,9% GMO là không được phép gắn nhãn hữu cơ.
Theo ông Thành, không thể phủ nhận về độ an toàn của thực phẩm hữu cơ vì chúng khó có khả năng tồn dư chất hóa học. Nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng, không có nhiều khác biệt về độ an toàn nếu các hàm lượng hóa chất tồn dư nằm trong ngưỡng cho phép.
Cũng theo ông Thành, nông sản hữu cơ có ưu điểm lớn nhất là bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thời gian nuôi trồng để tạo ra các sản phẩm hữu cơ cũng dài hơn, năng suất thấp hơn nên giá thực phẩm hữu cơ luôn cao hơn gấp ba - bốn lần thực phẩm thông thường.
Nhưng theo ông, cái khó của những người làm thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam hiện nay không phải về giá cả, thị trường mà là việc đối phó với nạn hữu cơ dỏm. “Thường thì những ông quảng cáo rau, quả hữu cơ dỏm mới là những người to mồm. Những người làm thật đang phải chiến đấu với những khó khăn khác chứ không đi rêu rao này nọ” - ông Thành nhận định.