Giấc ngủ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phục hồi các chức năng hoạt động của não bộ. Theo đó, khi có giấc ngủ ngon và đủ giấc, não bộ của bạn sẽ hoạt động khỏe mạnh, nhận thức và lưu trữ thông tin tốt hơn. Mỗi ngày, bạn cần ngủ đủ 7 đến 8 tiếng để não bộ và các cơ quan trong cơ thể phục hồi năng lượng.
Hiện nay, nhiều người bị mất ngủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này như căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý,... Chất lượng giấc ngủ kém là lý do khiến bạn mệt mỏi, thiếu tập trung hoặc làm việc không hiệu quả. Việc điều trị mất ngủ không chỉ cần dựa vào thuốc mà phải chú ý nguyên nhân gây bệnh, tâm lý, chế độ ăn uống, sinh hoạt,…
Mất ngủ nên làm gì?
Khi bị mất ngủ, người bệnh cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để có giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, với bất kỳ lý do nào, bạn nên xây dựng chế độ sống, sinh hoạt điều độ và lành mạnh.
Tốt nhất, nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ để đồng hồ sinh học được hoạt động tốt nhất. Khi luyện tập thể dục, không nên tập luyện quá nặng, gây mất sức.
Ăn gì dễ ngủ? Với chế độ ăn, không nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo gây khó tiêu, uống quá nhiều nước vào buổi tối, nhất là lúc đi ngủ. Bạn nên tắm nước ấm, tập một số động thư giãn, nhẹ nhàng, uống sữa ấm trước khi đi ngủ... để được an thần, các cơ được thư giãn và đầu óc thư thái, nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, không sử dụng các chất kích thích như trà cà phê, rượu... trước giờ ngủ.
Khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và chỉ định dùng thuốc điều trị. Để việc điều trị mang lại hiệu quả, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý tăng hoặc giảm bớt liều dùng, không tự ý dùng thuốc theo đơn cũ, không tự ý đổi thuốc hoặc ngừng sử dụng khi thấy các triệu chứng thuyên giảm... Việc dùng thuốc không theo đúng chỉ dẫn có thể khiến bệnh nhân gặp những biến cố bất lợi khó lường, gây nguy hại đối với sức khỏe.
Món ăn bài thuốc chữa mất ngủ
Bài 1: Cháo thịt lợn nấu phục thần, viễn chí
Nguyên liệu cho món ăn gồm: Thịt lợn nạc 150g, gạo tẻ 100g, phục thần 15g, viễn chí 12g, gia vị, rau thơm vừa đủ.
Vị thuốc phục thần và viễn chí sắc kỹ lấy nước bỏ bã; thịt nạc rửa sạch cắt miếng vừa ăn. Cho nước thuốc cùng gạo vo sạch và thịt nạc vào xoong, hầm thành cháo. Khi cháo chín nêm gia vị, hành rau thơm ăn nóng trong ngày. Món ăn này có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ não, thích hợp cho người bị mất ngủ kéo dài, cơ thể suy nhược.
Bài 2: Cháo hạt sen nấu nấm linh chi
Nguyên liệu cho món ăn gồm: Gạo nếp 50g, hạt sen 60g, nấm linh chi 50g, đường cát trắng 30g.
Cho nguyên liệu vào xoong, nấu nhừ thành cháo. Nên dùng trước khi đi ngủ 1 giờ, ăn liên tục trong 1 tuần sẽ có hiệu quả. Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, an thần, giúp bạn ngủ ngon.
Bài 3: Cháo long nhãn nấu hạt sen
Nguyên liệu cho món ăn gồm: Long nhãn 30g, gạo nếp 50g, hạt sen bỏ tâm 30g. Cho tất cả nguyên liệu vào xoong, nấu với lượng nước vừa đủ khoảng 30 phút. Khi cháo gần chín nhuyễn, cho thêm cùi nhãn và các gia vị vừa ăn.
Nên dùng món cháo long nhãn nấu hạt sen thường xuyên để bổ tâm thần, giúp bạn ngủ ngon. Món ăn thích hợp với người mất ngủ mãn tính.
Ngoài vấn đề ăn gì dễ ngủ thì uống trà gì dễ ngủ cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Bạn có thể uống trà hoa cúc, trà tâm sen, trà gừng,... vào buổi tối để dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, đừng uống quá nhiều để tránh chúng sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và chứng mất ngủ lại tiếp diễn.
Bên cạnh đó, vấn đề mất ngủ không nên ăn gì cũng là câu hỏi thường gặp. Nguyên nhân là nếu hế độ ăn uống không hợp lý không những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, mà còn khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng rất khó chữa trị.
Các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn thức ăn chứa nhiều axit, trái cây giàu vitamin C,... trước khi đi ngủ. Đặc biệt, cần tránh xa món ăn, thức uống chứa caffeine để tránh kích thích mạnh làm tăng năng lượng, khiến bạn khó ngủ.
Uống thuốc gì dễ ngủ?
Bên cạnh vấn đề ăn gì dễ ngủ, các món ăn thường ngày vừa bổ dưỡng vừa giúp an thần trên thì người mất ngủ cũng cần đến một số thuốc đặc trị. Tuy nhiên, những loại thuốc dùng trong trường hợp mất ngủ cũng chứa nhiều tác hại. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng.
Thuốc bình thần: Gồm có các thuốc như Diazepam, Bromazepam, Clonazepam, Rotunda... Các loại thuốc này có tác dụng giúp người bệnh có giấc ngủ gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng những thuốc này cho bệnh nhân bị mất ngủ ngắn và mức độ bệnh chưa trầm trọng. Việc dùng dùng thuốc bình thần lâu ngày sẽ gây quen thuốc, không còn có tác dụng. Ngoài ra, thuốc bình thần còn có tác dụng phụ là làm suy giảm trí nhớ, do đó, cần thận trọng khi uống.
Thuốc ngủ: Gồm có các thuốc như Phenobarbital, Zolpidem... Nhóm thuốc này có tác dụng mạnh. Tuy nhiên, chúng cũng rất dễ gây quen thuốc tương tự như thuốc bình thần, khi đó, dù có tăng liều thì bệnh nhân vẫn bị mất ngủ. Chỉ nên dùng nhóm thuốc này cho bệnh nhân bị mất ngủ ngắn và không trầm trọng.
Lưu ý, không nên dùng nhóm thuốc này quá 3 ngày. Khi sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu hay rối loạn tiêu hóa...
Thay vì uống các loại thuốc an thần có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, bạn có thể cần bổ sung một số loại thực phẩm trị mất ngủ, rau ăn dễ ngủ, giúp ngủ ngon hơn như: Quả kiwi, thực phẩm làm từ đậu nành, cá giàu axit béo omega-3, sữa chua và sữa tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chuối,...
Trong trường hợp mất ngủ lâu dài, nên đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị đúng đắn. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc ngủ để giải quyết tình trạng một cách tạm thời mà có thể để lại hậu quả lâu dài.