Theo Báo Tuổi Trẻ, cụ thể, người thân của chị N.T.T.T. đã đăng tải thông tin tìm người khi chị này mất liên lạc với gia đình sau trận động đất. Người thân cho biết lần cuối chị T. hoạt động trên Facebook là lúc 15h ngày 6-2 (giờ Việt Nam). Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phản hồi thông tin này vào đêm 8-2.
Theo thông tin từ Đại sứ quán, chị N.T.T.T. không mất tích do động đất, mà hiện đang bị cảnh sát thành phố Kayseri bắt giữ do cư trú bất hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Sau khi liên hệ với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát các địa phương, chúng tôi đã nhận được thông tin: chị N.T.T.T. đang bị cảnh sát thành phố Kayseri bắt giữ, do chị T. ở bất hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ gần một năm nay".
Chiều 8-2 (giờ địa phương), đại sứ quán đã trao đổi trực tiếp với cảnh sát Kayseri, "yêu cầu họ không được giữ hộ chiếu của chị T. (vì đây là tài sản của quốc gia) và điện thoại cá nhân". "Chị T. sẽ nộp phạt tiền theo quy định về xuất nhập cảnh của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó sẽ rời khỏi nước này ngay" - đại sứ quán thông tin thêm.
Phía đại sứ quán cho biết đã thông báo với gia đình và bạn bè của chị T.. Đại sứ quán thông tin có ít người Việt sống tại 10 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2. Tính đến nay, sứ quán chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào bị thiệt mạng, nhưng có một vài người bị ảnh hưởng về mặt vật chất và hoảng loạn về tinh thần như nhà cửa đổ nát, phải ôm con nhỏ tháo chạy ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm giữa trời tuyết...
Cũng theo VietNamPlus, tính đến 8h10 ngày 9/2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra sáng 6/2 đã lên tới 15.383 người.
Theo số liệu chính thức được công bố, số người thiệt mạng do động đất là hơn 12.391 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và ít nhất 2.992 người tại Syria. Giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể tăng gấp đôi trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra.
Khi tới thăm Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất, hôm 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận "những thiếu sót" trong ứng phó của chính phủ đối với trận động đất.
Trận động đất đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà ở những khu vực bị ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một số lượng người không xác định bị mắc kẹt, cản trở các hoạt động cứu trợ vốn đã bị cản trở bởi thời tiết băng giá.
Cơ hội để lực lượng cứu hộ tìm thấy những người sống sót đang dần thu hẹp khi thời gian tính từ khi động đất xảy ra ra gần chạm mốc 72 giờ, vốn được các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất.Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định viện trợ nhân đạo 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp Ankara giải quyết những khó khăn do trận động đất gây ra, cũng như hỗ trợ các nỗ lực ứng cứu hiện nay.Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp lớn đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ các nạn nhân của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON, Tập đoàn Seven & iHoldings đã đặt thùng quyên góp tại các cơ sở trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và nhận quyên góp tới cuối tháng Hai.
Bên cạnh đó, các khoản quyên góp gồm 39 triệu yen (khoảng 300.000 USD) từ Tập đoàn công nghệ thông tin Yahoo, 20 triệu yen từ Tập đoàn Suntory Holdings cũng đã được chuyển đến Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) để hỗ trợ tái thiết vùng thảm hỏa thiên tai.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cử Đội cứu trợ khẩn cấp quốc tế lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong tối 6/2 và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nhiều nhất có thể để quốc gia này khắc phục hậu quả động đất.