Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao về hình ảnh những khúc thân chuối được đóng gói sang chảnh, bày bán khá nhiều tại siêu thị Nhật Bản. Hình ảnh này lan truyền với tốc độ chóng mặt vì ở Việt Nam, đó là đồ bỏ đi.
Song, điều làm cho mọi người bất ngờ hơn là theo thông tin đăng tải trên các diễn đàn, khúc thân chuối chỉ dài khoảng 10cm, để vừa vào lòng bàn tay nhưng có giá bán lên tới 1.400 Yên Nhật, tương đương 280.000 đồng - mức giá cao ngất ngưởng khiến người ngạc nhiên.
Ở Việt Nam, chuối là cây trồng quen thuộc xuất hiện khắp các vùng miền từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược. Tuy nhiên, thứ mà người Việt quan tâm ở cây chuối chỉ là quả chuối vì chúng có giá nhất. Còn lá chuối, thân cây chuối là thứ bỏ đi, rất ít người coi đó là hàng hoá để đem bán, và nếu có bán thì giá cũng siêu rẻ chỉ 2.000-3.000 đồng/cây để về cho gà. vịt ăn cho mát ruột.
Còn ở các vùng trồng chuối chuyên canh làm hàng hoá, sau khi thu hoạch buồng chuối xong, thân cây chuối thường được chặt vứt bỏ khô rồi đốt.
Chính vì vậy cư dân mạng đã comment "Cơ hội làm giàu đây rồi"; "không thể tin được, thân chuối ở Việt Nam từ trước tới nay toàn băm cho lợn ăn"; "Việt Nam nên trồng chuối để xuất khẩu quả, thân, lá sang Nhật ngay"; "ở Nhật thân chuối là loại hàng cao cấp nên giá đắt đỏ"…khi biết thông tin khúc thân chuối được bán ở siêu thị Nhật với giá cao ngất ngưởng.
Không chỉ lá chuối, trên trang mua bán Amazon Nhật Bản đang rao bán những chiếc lá chuối 'made in Việt Nam' với giá 2.280 yên, tương đương 500.000 đồng, mua càng nhiều giá bán càng rẻ.
Ở Việt Nam, thân chuối có nhiều lợi ích, nhưng chủ yếu là các mục đích bình dân, thường thấy ở các vùng quê, giá thu mua rẻ, có khi chẳng bán, chẳng mua vì các gia đình đều sẵn có. Người ta thi thoảng đem thân chuối làm nộm, gỏi, rau sống; thân già hơn thì cho gia súc ăn, làm phao nổi, chèn đất… Nhiều lúc tới mùa chặt chuối, thân chuối vứt chỏng chơ, để ra ao, ra đất cho chim cá ăn…
Hiện nhiều người cũng ăn thân chuối thái nhỏ làm rau nhúng lẩu hay ăn sống), nhưng lượng này chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ và người ta thường sử dụng thân cây chuối tây.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết, chuối có nhiều loại khác nhau và mỗi loại có những công dụng, chất lượng khác biệt.
Theo ông Sáng, tại Việt Nam, đa số mọi người chỉ dùng quả chuối nhưng thực tế toàn bộ cây chuối đều có giá trị với sức khỏe. Thậm chí phần củ, thân, lá (búp, lá non) của chuối ngoài cung cấp dinh dưỡng còn là vị thuốc, bài thuốc trong Đông y.
Riêng phần thân cây chuối, tại Việt Nam ít được sử dụng, chủ yếu hay được trộn lẫn và ăn kèm một số loại rau sống, hoặc làm nộm, ăn kèm cùng bún ốc, bún cá. Phần cây chuối ăn ngon và chất lượng nhất là khi còn non, cục lõi chưa phát triển, khi đó rau chuối ăn sẽ mềm và hấp dẫn hơn. Đây cũng là loại rau được đánh giá sạch, an toàn vì dễ trồng, không cần phải phun hóa chất như một số loại rau khác.