Bạn đọc Tr.N.T (30 tuổi, TP HCM) hỏi: Em năm nay 30 tuổi, đã lấy chồng được gần 2 năm nhưng chưa có con. Không biết có phải em mong con quá không mà từ khi lấy chồng đến giờ đã vài lần gặp hiện tượng giống như ốm nghén và có các triệu chứng như người mới có thai (căng ngực, buồn ngủ nhiều, bụng to ra) nhưng đi khám thì không phải.
Thậm chí có lần em thử que được 2 vạch nhưng đi khám vẫn là không có. Trong y khoa có những triệu chứng giống như "mang thai giả" mà em gặp không, hay đúng như một người bạn em nói, em căng thẳng quá nên đầu óc "có vấn đề" rồi? Hay là em đã sẩy thai khi thai còn nhỏ mà không hay? Em rất hoang mang, mong được tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Mang thai giả (hay còn gọi là thai tưởng) là tình trạng xảy ra ở những phụ nữ mong muốn, khao khát có con và tin rằng mình có thai. Những phụ nữ này có các triệu chứng và dấu hiệu của cơ thể giống như những phụ nữ mang thai thật: mất kinh, các triệu chứng ốm nghén, căng ngực, bụng to ra, rối loạn tiêu hóa, cảm giác thai máy…
Tình trạng này có khi rất giống thai thật khiến thầy thuốc cũng chẩn đoán nhầm nếu không khám kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định.
Cơ chế gây ra hiện tượng này khoa học vẫn chưa thể lý giải rõ ràng, tuy nhiên, đa phần các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân khởi đầu là từ tâm lý (khao khát quá hoặc sợ hãi quá việc có thai) dẫn đến các biến đổi của hệ thần kinh- nội tiết trong cơ thể và gây ra các triệu chứng như có thai. Mang thai giả thường gặp ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đa phần là người đã có chồng và thậm chí xảy ra ở người đã từng có 1 lần sinh đẻ .
Thai tưởng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà chỉ là hậu quả của tâm lý mong con của bạn và vì nguyên nhân là do tâm lý nên tình trạng này cần sự trợ giúp về tâm lý chứ không cần chữa trị như một bệnh lý sản khoa.
Việc có thai thật và sẩy thai sớm như bạn nghĩ chỉ là suy đoán không có bằng chứng và cũng xuất phát từ tâm lý quá mong có thai của bạn. Riêng kết quả "2 vạch" trên que thử có thể là kết quả sai do nhiều nguyên nhân: chất lượng que thử, cách sử dụng không đúng, các loại thuốc bạn đang sử dụng, tình trạng rối loạn nội tiết… Đó là lý do các bác sĩ khuyên sau khi thử que, vẫn phải đi khám để chắc chắn về việc có thai.
Nếu lấy nhau đã 2 năm, không tránh thai nhưng vẫn chưa có con, vợ chồng bạn chắc chắn phải đi khám ở các cơ sở chuyên khoa sản có khoa vô sinh – hiếm muộn để nhanh chóng tìm nguyên nhân và điều trị. Khi đi khám phải chú ý các nguyên tắc sau:
- Càng sớm càng tốt: vì càng lớn tuổi thì khả năng mang thai sinh đẻ càng giảm sút .
- Cả 2 vợ chồng cùng đi khám: vì nguyên nhân có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai.
- Kiên nhẫn và kiên trì: việc điều trị có khi kéo dài nhiều tháng, qua nhiều công đoạn xét nghiệm và thủ thuật.
- Chuẩn bị chi phí: có khi khá tốn kém, nhất là khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui.