Gần đây, trên mạng rộ thông tin bài thuốc Nam gia truyền có thể giúp vợ chồng tìm “hoàng tử” cực kỳ dễ dàng và điều trị cả vô sinh. Vậy thực hư tác dụng của nó đến đâu, y học hiện đại có thể ứng dụng để điều trị vô sinh hay không?
Uống vô sẽ sinh con trai và kéo dài “quan hệ” (?!)
Thời gian qua, trên Facebook có tên “Bài thuốc sinh con trai hoặc gái theo ý muốn” đã đăng tải bài viết có nội dung: “Mẹ nào muốn bắt đầu hành trình mang thai hạnh phúc hơn nữa với một bé trai kháu khỉnh thì tham khảo bài thuốc sinh con trai của dân tộc Thái từ thời cha ông truyền lại”.
Bài viết nhấn mạnh: “Đây là bài thuốc hoàn toàn từ thảo dược nên an toàn tuyệt đối. Thuốc không có bất kỳ chất bảo quản nên bố mẹ nào thực sự có ý định sinh con trai thì liên hệ với tôi trước tháng dự định có thai. Thuốc cũng không có nhiều, mỗi lần thầy lang vào rừng kiếm thuốc chỉ được số lượng ít thôi. Nên bố mẹ nào thực sự tin tưởng và cần dùng thì liên hệ với tôi nhé”.
Người đăng tải Facebook còn hướng dẫn cách dùng thuốc và cho biết giá bán là 1.700.000 đồng.
PV cố gắng liên hệ với chủ nhân Facebook nói trên có tên Nguyễn Thu Hằng qua số điện thoại 09646332xx. PV hỏi bài thuốc có những thành phần gì, bà Hằng trả lời: “Do là bài thuốc gia truyền nên không thể nói được. Tuy nhiên, tất cả đều là cỏ, cây, lá… trong rừng nên rất tốt”.
Bà Hằng còn cho biết ngoài bài thuốc chỉ gồm rễ cây, bà còn bào chế bài thuốc dạng bột gồm 32 thành phần dược liệu. “Bài thuốc rễ cây hiệu quả chỉ 90% và tốt cho vợ chồng dưới 25 tuổi. Riêng bài thuốc dạng bột tốt cho vợ chồng trên 25 tuổi và hiệu quả mang lại rất cao. Tôi bán cho gần 2.000 vợ chồng nhưng chỉ có bốn trường hợp sinh con gái. Còn lại toàn trai là trai” - bà Hằng khoe.
PV hỏi bài thuốc này có được Bộ Y tế cấp phép không, bà Hằng trả lời gọn lỏn: “Không”. Bà Hằng quảng cáo tiếp: “Thuốc dạng bột kéo dài “quan hệ”, tăng sự ham muốn, cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng. Uống chỉ độ 20 ngày là mang thai và sinh con trai. Thuốc này bán trong và ngoài nước với giá 5.500.000 đồng. Thuốc có thành phần chữa vô sinh nên người hiếm muộn dùng cũng mau có con”.
Quảng cáo tào lao, tuyệt đối không dùng!
Nói về những quảng cáo trên, BS Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền BV Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết: “Y học cổ truyền không có bài thuốc có thể sinh con trai theo ý muốn. Y học cổ truyền cũng chỉ có thể hỗ trợ điều trị vô sinh”. Theo BS Thắng, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc sử dụng dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tương tự, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết: “Hiện vẫn không ít người muốn có con trai để nối dõi tông đường. Do vậy nếu có bài thuốc gia truyền sinh con trai thì không chỉ Việt Nam mà cả các nước trong khu vực chỉ toàn con trai”.
Bà Lan cho biết y học cổ truyền có câu: “Nhiệt ngộ nhiệt thì tắc cuồng/ Hàn ngộ hàn thì tắc tử”. Bà Lan giải thích: Người bệnh có cơ địa hàn (lạnh) thì phải chữa theo phương pháp nhiệt (nóng) và ngược lại. Một khi người có cơ địa nóng mà chữa theo phương pháp nóng thì sẽ cuồng điên. Người có cơ địa lạnh mà cho uống thuốc dạng lạnh thì chết. Do vậy y học cổ truyền căn cứ thể bệnh và cơ địa từng bệnh nhân để điều trị. Vì thế một bài thuốc không thể vừa dùng cho cả nam lẫn nữ, càng không thể cho ra kết quả là sinh con trai.
“Chưa hết, một bài thuốc cùng lúc vừa giúp sinh con trai vừa chữa vô sinh lại là điều không thể. Vô sinh ở nam và nữ có nhiều nguyên nhân và từng nguyên nhân có cách điều trị khác nhau. Vì vậy, một bài thuốc gia truyền chữa vô sinh cho cả nam và nữ là điều không xảy ra” - bà Lan nói.
Bà Lan lưu ý thêm một điều: “Một khi người vợ vừa cấn thai nhưng vô tình uống bài thuốc không rõ thành phần, không rõ chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và hình thành thai nhi. Do vậy người dân tuyệt đối không dùng bất kỳ thuốc gia truyền nào nếu không được sự tư vấn của thầy thuốc, bác sĩ”.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền, tôi đã gặp không ít trường hợp các cặp vợ chồng vì muốn có con trai nên đã mua và uống các loại thuốc gia truyền không nguồn gốc quảng cáo tràn lan trên mạng. Khi không được như ý muốn, họ tỏ vẻ thất vọng và dằn vặt vì bị lừa.
TS-BS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM