Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời:
Thường độ chính xác của que thử thai rất cao, khoảng 90%-99% nếu dùng đúng cách và thử từ ngày 7-10 sau khi giao hợp. Tuy nhiên vẫn luôn có một ít trường hợp bị âm tính giả hoặc dương tính giả khi dùng phương pháp xét nghiệm nhanh này.
Âm tính giả tức có thai mà vẫn "1 vạch", xảy ra khi xét nghiệm quá sớm, nồng độ Beta HCG chưa đủ cao so với độ nhạy của que thử; do bệnh nhân đang dùng một số loại thuốc lợi tiểu, an thần, kháng dị ứng... (làm sai lệch kết quả).
Dương tính giả, tức không có thai nhưng "2 vạch", xảy ra khi trong mẫu nước tiểu xét nghiệm có lẫn protein, máu hoặc một lượng gonadotropin từ tuyến yên tiết ra dư thừa.
Bạn có thể rơi vào 1 trong 2 trường hợp: bị dương tính giả hoặc trứng đã thụ tinh nhưng quá trình làm tổ không thành công, dẫn đến sẩy thai rất sớm, triệu chứng không rõ ràng.
Không có chuyện siêu âm đầu dò âm đạo bị tuột thai, nên bạn không nên sợ hãi chuyện đi khám sớm khi nghi ngờ mình có thai. Bạn cần giữ sức khỏe, ngưng lo lắng và chờ đợi lần có thai sau.