Bác sĩ đề nghị chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh để mổ. Thế nhưng, gia đình chồng tôi cản vì không tin vào kết quả chẩn đoán. Xin bác sĩ cho biết, trẻ em có thể bị sỏi thận hay sỏi bàng quang không?
Võ Thị Loan (tỉnh Bình Phước)
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - trả lời:
Người lớn hay trẻ em đều có thể bị sỏi thận, bàng quang. Sỏi đường tiết niệu là những khối tinh thể kết tụ từ một số thành phần trong nước tiểu ở đường tiết niệu (chủ yếu là canxi), gây biến chứng nặng nề, do sự ứ trệ nước tiểu tại thận, bàng quang.
Cụ thể là nhiễm khuẩn đường tiết niệu, gây nên tình trạng viêm thận mạn tính. Lâu dài sẽ gây xơ hóa mô thận, dẫn đến suy thận.
Nguyên nhân gây sỏi đường tiết niệu ở trẻ em chủ yếu do rối loạn chuyển hóa và những yếu tố thuận lợi như nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu...
Bệnh nhi sống ở vùng cao nguyên có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu theo ghi nhận cao hơn vùng đồng bằng. Vì vậy, có thể nói sỏi đường tiết niệu liên quan khá mật thiết đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ môi trường, chế độ ăn uống.
Khi trẻ mắc sỏi ở đường tiết niệu trên như thận, đoạn đầu niệu quản, phương pháp điều trị là mổ lấy sỏi. Đối với các trường hợp sỏi đường tiết niệu dưới như niệu quản đoạn dưới, bàng quang thì có thể áp dụng nội soi hệ niệu ngược dòng tán sỏi bằng laser.
Tuy nhiên, với các trường hợp sỏi bàng quang có kích thước lớn hơn 3cm, thì việc tán sỏi bằng laser không khả thi. Do đó, các trường hợp này thường phải phẫu thuật nội soi lấy sỏi.