Mỡ nội tạng không chỉ khiến cơ thể mất thẩm mỹ mà còn có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe. Bởi loại mỡ này thường nằm ở vị trí sâu trong ổ bụng, bao quanh các tạng như gan, tụy, ruột,... Chúng làm tăng cường giải phóng các loại chất độc và hormone bất lợi cho sự hoạt động bình thường của các tạng trong ở bụng và làm tăng nguy cơ bệnh tật tại những cơ quan này.
Nguyên nhân có thể đến từ những thói quen sinh hoạt bình thường hằng ngày mà chúng ta vẫn thường làm. Vì vậy, thay đổi hoặc loại bỏ những thói quen bất lợi này thực sự có thể giúp mỡ nội tạng bị biến mất.
Lười vận động, hoạt động thể chất
Ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ chính làm tăng tích tụ mỡ nội tạng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients đã chỉ ra, tập luyện thể dục có thể giúp giảm mỡ nội tạng ngay cả khi cân nặng không thay đổi. Cách tốt nhất để làm được điều này chính là phải kết hợp hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải với việc rèn luyện sức mạnh.
Do đó, nếu một người đang gặp phải tình trạng mỡ nội tạng thì tập luyện thể dục là rất quan trọng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, thời gian luyện tập thể dục nên đạt ít nhất khoảng 150 phút/tuần và được phân bố đều cho các ngày. Trong đó có ít nhất hai ngày được sử dụng để các bài tập về sức bền.
Ăn các thực phẩm chứa nhiều đường
Bánh ngọt, nước tăng lực... khi tiêu thụ sát giờ đi ngủ không chỉ khiến cơ thể phải "gồng gánh" một lượng calo lớn mà còn làm dao động đường huyết. Ăn đồ ngọt cũng kích hoạt não bộ khiến bạn có cảm giác hưng phấn, tràn đầy năng lượng, thêm khó ngủ.
Sát giờ đi ngủ, nếu quá đói bạn có thể ăn một quả chuối, táo hoặc một nắm các loại hoạt như hạnh nhân, óc chó để tạo cảm giác ấm bụng, cắt cơn thèm ăn.
Ngủ ít quá, mỡ nội tạng dễ tích tụ, ngủ bù cũng vô ích
Nghiên cứu của các chuyên gia y tế tại Trung tâm y tế Mayo Clinic, được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ chỉ ra thiếu ngủ có liên quan trực tiếp đến việc tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), tăng tỷ lệ mỡ cơ thể và mỡ nội tạng. Trong hai tuần, 12 người khỏe mạnh tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm ngủ 4 tiếng mỗi đêm và nhóm còn lại ngủ 9 tiếng mỗi đêm. Kết quả, nhóm ngủ ít có tỷ lệ mỡ nội tạng tăng 11%, tổng lượng mỡ bụng còn tăng 9%.
Theo khuyến nghị về giấc ngủ của Học viện Y học Giấc ngủ của Mỹ, người lớn ngủ hơn 7 tiếng mỗi ngày là đủ, và ít hơn 6 tiếng là thiếu ngủ. Nếu một người bình thường trung bình ngủ ít hơn 6 giờ và kéo dài hơn 5 ngày liên tục, cân nặng có thể tăng thêm 0,8 kg.
Đồ uống chứa cồn
Nhiều người cho rằng uống một chút bia, rượu trước khi ngủ sẽ giúp ngủ ngon, dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thức uống chứa cồn lại cản trở giấc ngủ sâu, khiến bạn ngủ trong trạng thái mê man và dễ mệt mỏi, uể oải vào sáng hôm sau. Những thức uống này cũng chứa nhiều calo, đường làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể, đẩy nhanh tốc độ lão hóa và dễ làm tích mỡ vòng hai.