Phụ Nữ Sức Khỏe

Thời điểm tế bào ung thư âm thầm di căn trong cơ thể

Các nhà nghiên cứu phát hiện tế bào ung thư vú có nguy cơ xâm nhập vào máu nhiều hơn khi bệnh nhân nghỉ ngơi.

Giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư là khi các tế bào ác tính đi sâu vào máu, di chuyển tới vị trí mới trong cơ thể. Quá trình này còn được gọi là di căn.

Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Đại học Manchester, Vương quốc Anh, phát hiện ở những người bị ung thư vú, các tế bào khối ung thư tuần hoàn (CTCs) dễ xâm nhập máu vào ban đêm hơn so với ban ngày. Công trình này được công bố trên tạp chí Nature ngày 22/6.

Nhà sinh vật học Qing-Jun Meng, Đại học Manchester, tác giả chính, cho biết khám phá này làm sáng tỏ một số sinh lý cơ bản của con người, mang tới cái nhìn mới về sự tiến triển của bệnh ung thư. Phát hiện của họ đưa đến kết luận quan trọng, bước tiến trong việc tìm hiểu về sự di căn. Đó là “các khối u thức dậy, di chuyển khi bệnh nhân đang ngủ”.

Năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế liệt kê nhịp sinh học bị gián đoạn là chất gây ung thư “có thể xảy ra” sau nghiên cứu cho thấy những người làm việc vào ban đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Song, nguyên nhân xảy ra điều này vẫn là câu hỏi không có lời giải.

Đồng hồ sinh học của một người được kiểm soát bởi các gene khác nhau, ảnh hưởng đến nhiều quá trình trong cơ thể, gồm cả trao đổi chất và giấc ngủ. Hầu hết nghiên cứu trước đây cho rằng các tế bào ung thư đã "bị biến dạng quá mức, dẫn tới đột biến" nên chúng không tuân theo lịch trình như vậy.

Nhưng khi nghiên cứu, nhóm chuyên gia tại Anh phát hiện điều này không hoàn toàn đúng. Các tác giả nhận thấy mức độ tế bào khối ung thư tuần hoàn ở chuột thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày mà chúng được lấy máu. Quan sát đó khiến nhóm tác giả phải lấy máu của 30 phụ nữ nhập viện vì ung thư vú, một lần lúc 4h và lần thứ hai vào lúc 10h.

Kết quả cho thấy phần lớn tế bào khối ung thư tuần hoàn mà họ trong phát hiện được là ở mẫu máu thu thập lúc 4h, khi bệnh nhân đang ngủ. “Ban đầu tôi rất ngạc nhiên. Nhưng dữ liệu rõ ràng như vậy. Từ bất ngờ, chúng tôi chuyển sang hào hứng”, TS Nicola Aceto, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ, Zurich, chia sẻ.

Sau đó, nhóm tác giả xác nhận điều này có đúng với đa số bệnh nhân ung thư vú hay không. Họ ghép các khối u ung thư vào vào chuột và kiểm tra mức độ CTC cả ngày. So với con người, chuột có nhịp sinh học đảo ngược. Chúng hoạt động vào ban đêm và ngủ vào ban ngày.

Nhóm tác giả phát hiện mức độ CTC của chuột đạt đỉnh vào ban ngày. Thậm chí nồng độ còn cao hơn tới 88 lần so với ban đêm.

Chi Van Dang, nhà sinh học ung thư tại Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig ở thành phố New York, Mỹ, đánh giá kết quả này “rất ấn tượng”.

Theo TS Aceto, nguyên nhân các tế bào ung thư vú ở người lại hoạt động mạnh hơn vào ban đêm có lẽ còn phụ thuộc vào vô số yếu tố. Hormone - công cụ mà cơ thể sử dụng để báo hiệu đã đến giờ thức dậy hoặc đi ngủ - có thể đóng vai trò nào đó.

Nhóm tác giả cũng phát hiện việc điều trị cho chuột bằng hormone như testosterone hoặc insulin có tác động đến mức độ CTC - khiến nồng độ tế bào này tăng hoặc giảm tùy thuộc vào thời điểm sử dụng hormone.

Việc hiểu cách thức hoạt động của quá trình này có thể giúp chúng ta có phương pháp điều trị ung thư tốt hơn. Nhưng việc này cần nhiều thời gian. Trước mắt, chúng ta phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nhằm hiểu rõ về mạng lưới phức tạp kết nối nhịp sinh học và bệnh ung thư.

Trong khi đó, nhà sinh vật học Qing-Jun Meng cảnh báo không nên coi giấc ngủ là kẻ thù của những người bị ung thư vú. Một số nghiên cứu đã chỉ ra những người bị ung thư thường ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong cao hơn. Những phát hiện này không phải dấu hiệu cho thấy bạn nên ngủ ít hơn mà đơn giản chỉ là giai đoạn cụ thể nào đó trong 24 giờ các tế bào ung thư tuần hoàn yêu thích và chọn làm thời điểm đi vào máu.

 
Theo Thiên Nhan/ Zing News

Tin liên quan

Hai nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày

Nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori và lạm dụng thuốc giảm đau là những nguyên nhân chính có thể làm tổn...

Thời điểm bạn không nên uống cà phê

Cà phê giúp cơ thể tỉnh táo, tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, uống cà phê trước bữa sáng, sau...

Cách giảm ho và rát họng sau khi khỏi Covid-19

Ho là triệu chứng khá phổ biến ở nhiều người mắc Covid-19 giai đoạn cấp và hậu nhiễm.

Nhiễm bệnh xã hội sau đêm massage và karaoke

Do chủ quan vào biện pháp phòng tránh hoặc lựa chọn oral sex, một số người đã chịu hậu quả...

Đỏ mặt khi uống rượu có nguy hiểm không?

Tình trạng của một số người sau khi uống rượu cảnh báo bệnh tiềm ẩn như cao huyết áp, ung...

6 dấu hiệu chứng tỏ phổi của bạn không khỏe, cần đi khám ngay

Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy lá phổi không khỏe, nên đặc biệt chú ý. Bị sưng, đau một...

Hô hấp đúng cách để bảo vệ sức khỏe

Hầu hết mọi người lặp đi lặp lại động tác "hít vào và thở ra" một cách vô thức. Vì...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình