Viêm loét dạ dày, hay viêm loét dạ dày tá tràng, là cơn đau phát triển ở niêm mạc dạ dày, xảy ra khi vết loét hở hoặc hình thành trong dạ dày. Thông thường, có một lớp chất nhầy dày bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của dịch tiêu hóa. Nhưng nhiều thứ có thể làm giảm lớp bảo vệ này, tạo điều kiện cho axit dạ dày phá hủy mô.
Viêm loét dạ dày có thể gây đau rát hoặc âm ỉ ở giữa bụng, khu vực giữa ngực và rốn. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bạn có thể cảm nhận sự khó chịu rõ ràng hơn vào buổi sáng vì cơn đau xảy ra khi dạ dày trống rỗng.
Nguyên nhân
Theo Cleveland Clinic, mọi người thường nghĩ rằng căng thẳng hoặc một số loại thực phẩm có thể gây loét. Nhưng các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh lý thuyết trên. Thay vào đó, các nghiên cứu đã tiết lộ hai nguyên nhân chính gây ra loét.
Vi khuẩn helicobacter pylori (H.pylori)
H.pylori thường lây nhiễm vào dạ dày. Khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn H.pylori, thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Các nhà nghiên cứu cho biết người bệnh có thể truyền H.pylori sang người khác, đặc biệt là trong thời thơ ấu.
Vi khuẩn H.pylori dính vào lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa và gây viêm (kích ứng), có thể khiến lớp màng bảo vệ này bị phá vỡ. Sự phân hủy này là vấn đề vì dạ dày có chứa axit mạnh nhằm tiêu hóa thức ăn. Nếu không có lớp chất nhầy để bảo vệ, axit có thể ăn vào mô dạ dày.
Tuy nhiên, đối với hầu hết, sự hiện diện của H.pylori không có tác động tiêu cực. Chỉ 10-15% người nhiễm vi khuẩn này bị viêm loét.
Thuốc giảm đau
Một nguyên nhân chính khác gây ra bệnh viêm loét dạ dày là do sử dụng NSAID, nhóm thuốc dùng để giảm đau. NSAIDS có thể làm mòn lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa. Những loại thuốc có khả năng gây ra hình thành loét dạ dày bao gồm: Aspirin (ngay cả những loại có lớp phủ đặc biệt); Naproxen; Ibuprofen; thuốc NSAID theo toa.
Acetaminophen không thuộc nhóm thuốc NSAID và không gây hại cho dạ dày. Vì vậy, những người không thể dùng NSAID thường được hướng dẫn dùng Acetaminophen.
Tuy nhiên, không phải ai dùng NSAID cũng sẽ bị viêm loét dạ dày. Những người nhiễm vi khuẩn H.pylori và thường xuyên sử dụng NSAID có nhiều khả năng có nguy cơ nhất vì 2 yếu tố này làm tổn thương lớp chất nhầy nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, nguy cơ phát triển vết loét do sử dụng NSAID cũng tăng lên nếu bạn dùng quá liều hoặc liên tục trong thời gian dài, 70 tuổi trở lên, là nữ giới, đang sử dụng corticosteroid và có tiền sử bị viêm loét dạ dày.
Nguyên nhân hiếm gặp
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày tá tràng bao gồm:
- Bị bệnh nặng do các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh khác nhau.
- Đang trong quá trình phẫu thuật.
- Đang dùng các loại thuốc khác, chẳng hạn steroid.
Bệnh loét dạ dày cũng có thể xảy ra nếu bạn mắc một bệnh hiếm gặp được gọi là hội chứng Zollinger-Ellison (bệnh lý dạ dày). Tình trạng này hình thành khối u của các tế bào sản xuất axit trong đường tiêu hóa. Những khối u này có thể là ung thư hoặc không phải ung thư. Các tế bào tạo ra một lượng axit quá mức làm tổn thương mô dạ dày.
Dấu hiệu và biến chứng
Theo Mayo Clinic, một số người bị loét không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Triệu chứng viêm loét dạ dày thường gặp nhất là đau rát dạ dày. Axit dạ dày làm cho cơn đau tồi tệ hơn, cũng như khi bụng đói.
Cơn đau thường có thể thuyên giảm bằng cách ăn một số loại thực phẩm đệm axit dạ dày hoặc bằng cách dùng thuốc giảm axit, nhưng sau đó nó có thể quay trở lại. Cơn đau có thể tồi tệ hơn giữa các bữa ăn và vào ban đêm.
Một số dấu hiệu phổ biến khác của viêm loét dạ dày có thể bao gồm:
- Đầy hơi, chướng bụng hoặc ợ chua.
- Không dung nạp thức ăn béo.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn.
- Buồn nôn hoặc nôn, nghiêm trọng hơn là nôn ra máu.
- Phân sẫm màu hoặc đen (do đi ngoài ra máu).
- Sụt cân.
- Khó thở.
Nếu không được điều trị, viêm loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến chảy máu trong. Chảy máu có thể xảy ra như mất máu chậm dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng phải nhập viện hoặc truyền máu. Mất máu nghiêm trọng có thể gây nôn mửa màu đen hoặc có máu hoặc phân đen hoặc có máu.
Viêm loét dạ dày cũng dễ gây ra thủng trên thành dạ dày hoặc ruột non, khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng khoang bụng (viêm phúc mạc).
Ngoài ra, viêm loét dạ dày có thể cản trở sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, khiến bạn dễ bị no, nôn mửa và sụt cân do sưng tấy do viêm nhiễm hoặc do sẹo.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người bị nhiễm H. pylori có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.