Thịt đông, hiểu nôm na là thịt để đông. Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này chính là bì lợn. Chất keo của bì lợn khi tiết ra sẽ gặp thời tiết lạnh mà đông lại.
Bát thịt đông được lật úp vào đĩa, cánh hoa giữa phần thạch trong tươi sắc. Miếng thịt mềm, hồng nhạt, có mùi thơm lạ. Nếm thử ngòn ngọn của chất đông hấp dẫn, ăn không ngấy.
Thịt đông thế nào thì ngon?
Để biết phần thịt đông đó ngon hay không, nấu thành công hay không thì phải xem xét độ nhừ của thịt, độ trong của nước và độ đông. Nếu đặt ra đĩa mà thịt “đứng” là đúng chuẩn. Hẳn cũng bởi thế mà có câu thành ngữ “im thin thít như thịt nấu đông”.
Thịt đông thường được ăn kèm với dưa hành hoặc dưa chua. Thế nhưng ngon nhất và chuẩn nhất vẫn là ăn cùng với nước mắm thật nhiều hạt tiêu, cơm nóng (hoặc bánh chưng) và dưa bắp cải muối, thêm vài cọng rau cần.
Cách bảo quản thịt đông
Để bảo quản tốt món thịt đông bạn nên chia thịt đông vào từng hộp nhỏ vừa đủ ăn cho mỗi bữa và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này không chỉ giữ nguyên hương vị món ăn mà còn giúp bạn kéo dài thời gian sử dụng của món ăn nữa đấy.
Hai cách ăn thịt đông dễ gây hại cho sức khỏe
Ăn nhiều cùng với bánh chưng, cơm trắng
Cơm trắng và bánh chưng là những nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột, trong khi thịt đông chứa nhiều chất béo và đạm. Khi kết hợp chúng với nhau sẽ tạo cảm giác nhanh ngấy, thậm chí đầy bụng khi ăn.
Không những thế, việc tiếp nhận dồn dập quá nhiều các chất dinh dưỡng vào cơ thể một lúc cũng gia tăng khả năng bị tăng cân nhanh chóng sau dịp Tết.
Ăn thịt đông để lâu ngày và bảo quản sai cách
Nhiều gia đình có thói quen nấu thịt đông từ trước Tết vài hôm và bảo quản trong tủ lạnh ăn dần trong Tết. Điều này hoàn toàn bình thường nếu biết cách bảo quản đúng và sử dụng trong vòng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, không ít người lấy thịt đông ra để thưởng thức nhưng lại để bên ngoài quá lâu, thậm chí cả ngày trên mâm cơm. Điều này khiến món ăn dễ bị vi khuẩn tấn công gây ôi thiu dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa khi ăn, thậm chí gây ngộ độc.