Phụ Nữ Sức Khỏe

Thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh quay trở lại

Do thiếu vaccine nên trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021.

Năm 2022, chỉ có 3/20 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng chung toàn khu vực chỉ đạt 79,5% do thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Các chuyên gia y tế lo ngại việc thiếu vaccine kéo dài khiến cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại trong thời gian tới.

Thiếu nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng

Tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 và kế hoạch năm 2023 khu vực miền Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/5, bà Hoàng Ngọc Mai, đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết trong năm 2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cung cấp khoảng 20 triệu liều vaccine cho các tỉnh, thành phố.

Do đảm bảo được nguồn dự trữ từ năm 2021, các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn được cung ứng đầy đủ trong các tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, tình trạng cung ứng vaccine chưa kịp thời dẫn đến việc thiếu một số loại vaccine trên toàn quốc như vaccine sởi và DPT (phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván) thiếu từ tháng 7/2022, vaccine sởi-rubella (MR) thiếu từ tháng 11/2022, vaccine bại liệt (bOPV) thiếu từ tháng 11/2022.

Trong bối cảnh đó, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế đã tài trợ cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng 328.280 liều vaccine DPT và 200.000 liều vaccine sởi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng 1 tháng trong tiêm chủng thường xuyên.

Tình trạng thiếu vaccine sau đó tiếp tục tái diễn và kéo dài cho đến nay. Do thiếu vaccine nên trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021.

Riêng khu vực phía Nam có 14 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 80% như Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Tỷ lệ tiêm vét của khu vực phía Nam cũng rất thấp, năm 2022 chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét cho năm 2021 với 338.026 mũi.

Quý 1 năm 2023, chỉ có 18 tỉnh, thành phố tiêm vét cho năm 2022 với 123.498 mũi tiêm. Con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực miền Nam.

Bà Hoàng Ngọc Mai nhận định thực trạng nêu trên khiến cho Việt Nam có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Đơn cử, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết hiện nay, hầu hết các tỉnh đều hết vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do HiB).

Một số vaccine còn rất ít, đủ sử dụng đến tháng 7/2023 như: DPT, lao (BGT), uốn ván (VAT) và sởi-rubella. Trong khi đó, vaccine bại liệt đủ sử dụng đến tháng 8/2023. Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổng hợp tất cả các nhu cầu về vaccine của các địa phương để tổng hợp gửi lên Bộ Y tế.

Tiêm vaccine cho trẻ nhỏ. (Nguồn: TTXVN)

Bà Hồng khẳng định Bộ Y tế đang rất nỗ lực để sớm có vaccine cung ứng trở lại trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế sẽ xây dựng một khung giá chung với vaccine nhập khẩu 5 trong 1, các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, sau khi có kết quả mua sắm qua đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định thì nhanh chóng ký hợp đồng để nhận vaccine. Cách thức này giống như việc các Sở Y tế đã thực hiện để mua một số loại thuốc tập trung.

Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế đang cố gắng để đặt hàng và thống nhất giá cụ thể, địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vaccine.

“Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng, các địa phương phải nắm được con số chính xác số lượng vaccine cần thiết để tránh tình trạng quá thừa hoặc quá thiếu so với nhu cầu," bà Dương Thị Hồng yêu cầu.

Đặt hàng, mua sắm vaccine cần phải có kế hoạch dài hơi

Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế - đơn vị hiện sản xuất và cung ứng 4 loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm bại liệt (bOPV), sởi và sởi-rubella (MR) cho biết những năm trước không xảy ra tình trạng thiếu vaccine do thời điểm cuối năm, đơn vị này thường sản xuất dự trù một số lượng vaccine cho các năm sau, mặc dù chưa có kế hoạch hay đặt hàng.

Tuy nhiên, 2 năm qua, do có sự thay đổi từ phía Bộ Y tế nên đơn vị này không sản xuất gối đầu nữa mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Mới đây, đơn vị này nhận được văn bản của Bộ Y tế về lập phương án giá, trình Bộ Y tế để phê duyệt.

Căn cứ vào giá do Bộ Y tế phê duyệt, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ ký hợp đồng chung mua vaccine và các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó để đặt hàng cụ thể với nhà sản xuất.

Song để thực hiện được việc này, công ty cần số lượng chính xác để quyết định giá vaccine và dự trù được nguyên vật liệu, lên kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, ngoài số lượng, các địa phương cần cung cấp cho nhà sản xuất thời điểm nhận hàng, như một năm nhận mấy lần, nhận vào thời gian nào để công ty có kế hoạch sản xuất phù hợp.

“Việc cung ứng vaccine không phải cứ yêu cầu là có ngay mà chúng tôi cần có kế hoạch trước để chuẩn bị mua nguyên vật liệu. Chỉ khi dự trù và đặt hàng chính xác thì việc cung ứng vaccine trong nước mới đảm bảo,” ông Nguyễn Đăng Hiền thông tin.

Đồng tình, ông Trần Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho rằng Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cần chủ động trong công tác đặt hàng để các công ty chủ động trong sản xuất và cung ứng.

Theo ông Hiếu, cũng như Trung tâm nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế, những năm trước, VABIOTECH có sản xuất dự phòng một số lượng vaccine để gối đầu, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, hiện đơn vị này không dám sản xuất số lượng lớn.

Vì vậy, nếu Bộ Y tế và các địa phương có kế hoạch dự trù, đặt hàng sớm thì doanh nghiệp mới có thể đáp ứng kịp thời.

“Nếu muốn cung ứng vaccine Chương trình Tiêm chủng mở rộng ổn định, bền vững, việc cần thiết là phải có kế hoạch dài hơi, ít nhất là 2 năm để cả chương trình, nhà sản xuất, đơn vị sử dụng đều có thể chủ động,” tiến sỹ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) - đơn vị cung cấp 4 vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng - nêu ý kiến.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi việc gián đoạn cung ứng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng do số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng rất lớn.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu diễn ra từ tháng 5/2022 và kéo dài cho đến nay.

Dù đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế nhưng số lượng vaccine cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ nhỏ trên địa bàn.

Theo dự trù của Sở Y tế, từ nay đến tháng 6/2024, Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 1.553.000 liều vaccine các loại trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng./.

Theo Đinh Hằng/TTXVN

Tin liên quan

Ông bố trẻ ở Hải Dương tử vong vì mắc thủy đậu sau khi con trai vừa khỏi bệnh vài...

Thủy đậu tuy là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ xảy ra biến...

WHO sẽ cung cấp khẩn 6 lọ thuốc hiếm điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam

Sáng 23/5, thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế...

WHO: Sau COVID-19, một tình trạng khẩn cấp khác đang bất ổn ở châu Á

Phát biểu tại phiên mở màn hôm 22-5 của Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 76, Tổng...

Nóng: WHO sẽ cung cấp khẩn 6 lọ thuốc hiếm điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam

Sáng 23/5, thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế...

Hai loại ung thư có triệu chứng trở nặng vào buổi sáng

Theo các bác sĩ, các triệu chứng ung thư phổi, não có thể xuất hiện ngay sau khi bạn thức...

Phát hiện điều này khi tắm cần đi khám ngay, không chừng dấu hiệu có KHỐI U trong người

Một phụ nữ người Anh chia sẻ về thời điểm cô phát hiện ra dấu hiệu ung thư thông qua...

3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại TP. HCM bị liệt hoàn toàn, phải thở máy

Liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa cho biết, 3 bệnh nhân đều...

Tin mới nhất

WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức

4 giờ trước

Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...

5 giờ trước

Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp

5 giờ trước

Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...

5 giờ trước

TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

7 giờ trước

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

1 ngày 9 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

1 ngày 9 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

1 ngày 23 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

1 ngày 23 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình