"Tôi chỉ muốn làm một người bình thường thôi, chuyện đó khó đến vậy sao?".
Đây là điều mà Ninh Bạch - người được mệnh danh là thần đồng số một tại Trung Quốc - đã nói sau khi phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống. Nổi tiếng vì học giỏi, thông minh hơn người, nhưng cuối cùng, Ninh Bạch lại quyết định xuất gia.
Ít ai biết rằng, để đưa ra quyết định này, ông phải chịu hàng loạt áp lực và tổn thương trong nhiều năm.
Nổi tiếng vì thông minh
Ninh Bạch sinh năm 1965 trong một gia đình bình thường ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Dù gia cảnh bình thường, ông vẫn được sống vô lo, hạnh phúc.
Nhưng cuộc sống vô lo của Ninh Bạch không kéo dài quá lâu. Đến năm 1977-1978, mọi thứ thay đổi khi tài năng của ông được hé lộ và truyền thông đua nhau đưa tin. Thời đó, mọi người đều biết Ninh Bạch mới 2 tuổi đã thuộc lòng hơn 30 bài thơ, 4 tuổi đã biết hơn 400 chữ Hán. 6 tuổi, cậu bé bốc thuốc Đông y và đến 8 tuổi đã thuộc nằm lòng Thủy Hử, theo The Paper.
Những đứa trẻ như Ninh Bạch thường được cha mẹ, thầy cô phát hiện và sau đó khoe với người ngoài. Một người bạn của cha Ninh Bạch tên là Nghê Lâm, giảng viên tại Giang Tây, đã viết một lá thư gửi đến cựu Phó thủ tướng Phương Nghị - lúc đó đang là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - để giới thiệu về Ninh Bạch.
Nghê Lâm làm như vậy bởi vì ông biết vào thời gian đó, giáo sư Lý Chính Đạo và cựu Phó thủ tướng Phương Nghị đang tìm cách khôi phục sự phát triển của nền giáo dục khoa học công nghệ Trung Quốc. Ông tin rằng những đứa trẻ IQ cao như Ninh Bạch có thể trở thành trụ cột trong tương lai.
Sau khi nhận thư của Nghê Lâm, vào tháng 11/1977, hai giảng viên của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc được cử đến trường của Ninh Bạch để thực hiện một bài kiểm tra năng lực môn Toán. Hai học sinh khác cũng tham gia bài kiểm tra này.
Thực tế, điểm bài thi Toán của Ninh Bạch không cao lắm, chỉ 67/100 điểm và xếp thứ hai. Dù vậy, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vẫn công nhận ông là ngoại lệ. Nhà trường thành lập lớp tài năng đầu tiên tại Trung Quốc để đào tạo những tài năng trẻ. Chính điều này khiến Ninh Bạch thu hút sự chú ý của truyền thông vào năm 1978.
Lúc này, không chỉ phóng viên, Phó thủ tướng Phương Nghị cũng có mặt ở nhà Ninh Bạch, thậm chí chơi cờ cùng cậu bé 13 tuổi.
Điều bất ngờ là Ninh Bạch thắng phó thủ tướng 2 ván liên tiếp. Điều này cũng khiến truyền thông đồng loạt đưa tin và nhanh chóng gán cho ông danh hiệu "thần đồng".
Áp lực vì bị chú ý quá mức
Thời điểm đó, Ninh Bạch 13 tuổi không bao giờ nghĩ rằng sự chú ý, khen ngợi cũng như kỳ vọng của người lớn lại trở thành "xiềng xích", khiến ông không thể tự do và sống cuộc đời bản thân mong muốn.
Không lâu sau khi được tuyển vào đại học, tin tức về cậu bé thiên tài Ninh Bạch nhanh chóng được lan truyền khắp Trung Quốc. Dư luận chỉ quan tâm cậu bé có IQ hơn người, giáo viên chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để tạo ra nhân tài cho tương lai, không ai để ý rằng cậu bé này khát khao được trải qua tuổi thơ bình thường như những đứa trẻ khác.
Kể từ khi đặt chân vào lớp thiên tài của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Ninh Bạch không hề thấy vui. Ông thậm chí còn thấy ghét ngành học của mình - ngành Vật lý lý thuyết.
Nhiều lần, Ninh Bạch từng xin chuyển ngành nhưng hiệu trưởng từ chối. Vị hiệu trưởng này cho rằng Ninh Bạch là thần đồng, cần phải cống hiến tài năng của bản thân cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Vì vậy, ông phải tiếp tục học Vật lý. Do học ngành không yêu thích, điểm số của Ninh Bạch không hề nổi bật. Nhưng điều mà ông không ngờ tới là giới truyền thông vẫn không chịu buông tha. Mọi ánh mắt, ống kính vẫn luôn tập trung vào cuộc sống của ông.
Áp lực vô hình này đè nặng Ninh Bạch cho đến năm 1982, khi tốt nghiệp đại học, Ninh Bạch được giữ lại trường để làm giảng viên, nhưng ông từ chối.
Cũng trong năm này, thần đồng Trung Quốc đăng ký thi cao học nhưng bỏ thi. Đến lần thứ hai, ông lại bỏ cuộc sau khi hoàn thành bài kiểm tra thể chất. Lần thứ ba thi cao học, dù đã đến trước phòng thi, Ninh Bạch vẫn chọn bỏ cuộc nhưng bị giám thị giữ lại.
Khi bị giữ lại, ông nói với giám thị rằng: "Nếu ép em, em sẽ trốn đến một nơi không ai tìm được".
Những năm này, cuộc đời của Ninh Bạch rơi vào vòng lặp mâu thuẫn không hồi kết. Một mặt, ông sợ mọi người thất vọng, sợ bị dư luận "nuốt chửng" nếu mình thất bại. Mặt khác, ông không muốn cuộc sống của mình như một con rối, bị điều khiển và bị quan tâm quá mức.
Năm năm sau khi đăng ký thi cao học lần 3, Ninh Bạch quyết định kết hôn. Ban đầu, ông nghĩ rằng hôn nhân là cách để giải thoát khỏi cái mác thần đồng. Nhưng vợ lại muốn ông đào tạo con cái trở thành "thế hệ thần đồng tiếp theo". Yêu cầu của vợ khiến Ninh Bạch áp lực và mệt mỏi. Nhiều lần, ông cãi nhau ầm ĩ với vợ rồi bỏ nhà đi.
Vào năm 1998, khi được CCTV mời tham gia chương trình Tell the truth, Ninh Bạch thẳng thắn chỉ trích chương trình đào tạo thiên tài, đồng thời nói rằng bản thân chính là "sản phẩm" của chương trình đó. Nếu có thể làm lại, Ninh Bạch sẽ không tham gia lớp học đó, cũng không sống cuộc đời như vậy.
Đến năm 2003, cuối cùng Ninh Bạch cũng đạt được điều mà ông mong muốn. Rũ bỏ mọi kỳ vọng của thầy cô, người thân và sự chú ý quá mức của truyền thông, ông chuyển đến một thành phố nhỏ và xuất gia. Vài năm sau, khi một người bạn cùng lớp qua đời, Ninh Bạch mới xuất hiện, nhưng ông từ chối tất cả lời mời phỏng vấn của phóng viên.
15 năm sau, vào năm 2018, truyền thông Trung Quốc lại đưa tin Ninh Bạch đã hoàn tục và trở thành người tư vấn tâm lý miễn phí. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu Phật giáo và điều hành văn phòng tư vấn tâm lý. Những năm nay, tin tức về ông ít hơn, nhưng nhiều người nói ông đã vui vẻ, cởi mở hơn và không còn u ám như trước.