Cuối tháng 12/2024, chị Jiang (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) bắt gặp chồng mình "giao" cho AI hướng dẫn con trai làm bài tập về nhà. Trong khi đó, ông chồng nằm chơi điện thoại di động và hoảng sợ khi vợ bước vào phòng.
Cậu con trai (đang học tiểu học) nói với mẹ rằng bố đã yêu cầu cậu bé sử dụng AI nếu gặp khó khăn khi làm bài tập về nhà.
Cậu bé đã sử dụng chatbot Kimi AI, được phát triển bởi Moonshot AI, ra mắt vào tháng 10/2023. Kimi AI có thể xử lý 2 triệu ký tự tiếng Trung với một lời nhắc duy nhất. Cậu bé đã chụp ảnh câu hỏi và yêu cầu chatbot phân tích và đưa ra kết quả.
Nói với Qilu Evening News, chị Jiang cho hay rất tin tưởng chồng sẽ hướng dẫn con học, nhưng anh ấy đã sử dụng AI mọi lúc mà không có sự đồng ý của chị.
Sự việc khiến mạng xã hội Trung Quốc chia phe. Một số người cho rằng AI giúp mọi người học nhanh hơn so với giáo viên. Nó có thể phân tích một câu hỏi kỹ lưỡng hơn và đưa ra các ví dụ phù hợp và thực tế. Tuy nhiên, nhiều người phản bác lại quan điểm này.
“Nếu đứa trẻ tiếp tục nhờ AI giải quyết tất cả vấn đề mà nó gặp phải, nó sẽ không thể tư duy độc lập được. Đó không phải là phương pháp học tập tốt cho những đứa trẻ không có khả năng tự chủ", một người chia sẻ.
"AI không phải lúc nào cũng chính xác", người khác nói.
Trong khi đó, một số phụ huynh cho biết họ cũng dựa vào AI để hướng dẫn con học. Một ông bố ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) cho biết ông đã sử dụng camera máy tính để theo dõi từ xa bài tập về nhà của con trai mình, đồng thời sử dụng ChatGPT để phân tích các câu hỏi và sửa lỗi. Tất cả những gì ông bố cần làm là tóm tắt các câu trả lời mà AI cung cấp và truyền đạt chúng cho con trai.
Chatbot AI được coi là công cụ hiệu quả giúp giảm bớt áp lực cho phụ huynh, những người thường xuyên bị giáo viên yêu cầu kèm cặp trẻ tại nhà. Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng trường học giao cho trẻ quá nhiều bài tập về nhà, tăng thêm gánh nặng lên công việc và cuộc sống vốn đã bận rộn của họ.
Một số phụ huynh đã bị đau tim, đột quỵ và các bệnh nghiêm trọng khác vì quá căng thẳng khi hỗ trợ con làm bài tập. Tuy nhiên, họ vẫn chấp nhận vì muốn con có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường học tập ngày càng khốc liệt.