Đối diện với anh, trong chị là căm giận, đau đớn, không biết phải nói từ đâu. Bởi kể sao cho hết tình yêu đong đầy chị dành cho người chồng kém hai tuổi. Kể sao cho hết chuyện chị đã phải vượt qua bao nhiêu định kiến gia đình, đã thề độc với cha mẹ để được lấy anh. Trong bốn năm làm vợ, chị đã phải gồng mình, hy sinh nhiều đến thế nào…
Anh chỉ là một nhân viên kinh doanh với thu nhập bấp bênh, vừa đủ cho những thú vui cá nhân. Chị vốn là một biên tập viên giỏi. Sáng sớm đến tận khuya, chị cày bàn phím đến mức mòn cả những chữ cái in trên đó. Chị cố gắng kiếm tiền để bảo vệ hạnh phúc mình đang có; gồng lên để chứng minh với cha mẹ rằng, cuộc sống của chị luôn ổn và quyết định của chị là đúng đắn. Vậy mà cuối cùng, anh ngoại tình, như đạp chị xuống vực thẳm.
Ảnh minh họa |
Chị không muốn ngồi dậy, lặng lẽ như chiếc bóng không hồn. Chị vẫn làm việc, vẫn đưa đón, chăm sóc con; nhưng bên trong là cuồn cuộn đau thương chực trào lên rồi lại bị nén chặt, bị che phủ dưới lớp vỏ bình thường. Chồng chị đã dọn đến ở cùng người đàn bà kia, tuyên bố không về nữa. Anh bỏ chị, đơn giản như bỏ một chiếc bánh quy, để đi tìm một chiếc bánh mì kẹp thịt. Nghe đâu, bên người đàn bà mới, anh còn có ô tô riêng để dạo phố.
Trong một tuần, chị sụt hơn 5kg. Nhiều đêm liền, chị gác tay lên trán với hàng ngàn câu hỏi. Tại sao định mệnh lại nỡ đối xử với chị như thế? Tại sao anh có thể tệ bạc nhường ấy, sau những gì chị đã làm cho anh? Chị còn phải cố gắng, phải hy sinh thế nào nữa mới đủ? Chị phải sống những năm tháng kế tiếp sao đây? Cha mẹ sẽ nói gì nếu chị bảo muốn ly hôn? Quan trọng hơn hết thảy: con gái sẽ lớn lên ra sao khi có một người cha như thế?
Chị không thể chấp nhận những tổn thương đang phải gánh chịu và chọn cách phớt lờ, cố làm ra vẻ mình vẫn ổn. Chị lao vào mua sắm, chủ động gọi cho những cô bạn từ ngày xưa, rủ họ đi ăn uống, xem phim. Chị vứt ngay điện thoại mỗi lần thoáng có ý định muốn gọi cho anh, dù trong lòng có rất nhiều điều muốn hỏi, muốn nói, thậm chí muốn xỉ vả anh. Chị không cho phép mình sống với những yếu mềm, đau khổ hay giận dữ. Chị ngước lên trần nhà, tự nuốt nước mắt mỗi khi lệ chực ứa ra.
Rồi một sáng nọ, chị ngạc nhiên khi không thể và cũng không muốn nhấc mình ra khỏi giường. Chị nằm yên, cảm thấy tim mình đang bị bóp nghẹt, quá sức chịu đựng và muốn nổ tung. Chị tự hỏi, mình đã làm gì với chính mình thế này? Người khác thấy chị ổn, nhưng chị thừa biết mình đâu có ổn. Bao đau đớn, tổn thương vẫn còn đó, bất chấp việc chị có thừa nhận chúng hay không. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh một cặp vợ chồng tình cảm hoặc nghe con gái nhắc đến ba, cha mẹ chị gọi điện hỏi đến con rể… là chị lại ngước mắt lên trần nhà.
Giờ nằm trên giường, thân tâm rệu rã, bất giác chị rơi nước mắt xót thương mình. Hình hài này, trái tim này, cảm xúc này, quá khứ đã qua, hiện tại đang có hay tương lai chưa tới… tất cả đều là của chị, thuộc về cuộc sống của chị, cớ sao lại tìm cách chối bỏ. Nếu mất đi những thứ ấy, đánh mất chính mình, chị còn lại gì? Chị òa lên khóc như chưa từng được khóc - khóc đến chẳng còn nhớ vì sao mình khóc.
Khóc xong trận ấy, chị thấy mình khá hơn rất nhiều. Chị ngồi dậy, cảm giác rõ rệt là vẫn đau, nhưng không bị nghẹt thở nữa. Hóa ra đối diện với tổn thương dễ dàng hơn nhiều so với việc trốn chạy và đè nén nó. Chị đã hiểu. Sau tất cả, chị vẫn là chính mình. Chính chị mới là điều quý giá nhất trong cuộc đời mình chứ không phải là chồng, con, cha mẹ hay ai đó ngoài xã hội. Nếu cứ che đậy, trốn chạy, tỏ ra mình ổn thì chỉ là chị đang sống vì họ, chứ đâu phải vì mình.
Nghĩ được thế, chị như tìm lại ánh sáng cuộc đời. Chị đến bên bàn viết, lấy một mẩu giấy, viết ra một chuỗi câu hỏi về bản thân - những mong muốn, những gì chị có và những điều cần làm. Chị biết mình phải chấm dứt chuỗi ngày gồng gánh mệt mỏi đã qua. Chị mỉm cười khi viết đến phương án làm mẹ đơn thân, chị thừa sức kiếm đủ tiền nuôi con và cho cả hai một cuộc sống thoải mái. Còn tổn thương, chị chấp nhận như một điều không thể tránh để bước qua nó, tiếp tục đi.