Thực tế cho thấy, phương pháp dân gian, tự điều trị, truyền miệng thường được phụ huynh áp dụng cho những bệnh có từ xa xưa, những bệnh mới như Zika ít ai nói đến và theo thói thường, đã truyền miệng ắt có nhiều dị bản.
Nhiều phương pháp trong số đó chưa từng được kiểm chứng, chủ yếu người ta nghe đồn rồi vô tư làm theo. Việc tự điều trị đã khiến nhiều trường hợp phải trả giá, bệnh nhi bị nhiễm trùng máu, để lại sẹo, ngộ độc, bệnh từ nhẹ thành nặng hơn, thậm chí không thể cứu chữa.
Tại BV. Nhi Đồng 1, một trường hợp đáng nhớ nhất khiến các bác sĩ tiếp nhận phải xót xa rơi nước mắt chính là một bệnh nhi nhập viện với tình trạng lưng chi chít ngang dọc những vết sẹo lớn, các vết sẹo rất dài khiến bé bị đau đớn và li bì vì nhiễm trùng máu. Hỏi ra mới biết, người lớn đã dùng dao lam để vẽ bùa trên lưng bé vì nghe theo lời đồn “cách chữa này có thể giúp bé khỏi bệnh”.
Trong khi đó, bệnh nhi chỉ bị bệnh não thể nhẹ. Một số trường hợp khác, bệnh nhi bị bỏng hết hai chân vì mẹ đắp tỏi, bé khác bị viêm mắt do mẹ nhỏ sữa và không ít trẻ bị dị ứng do uống các loại nước thuốc theo dân gian.
Sữa mẹ có một lượng kháng thể nhất định, nhỏ vào mắt của bé có thể giúp trị được một số bệnh do virút, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng khỏi bệnh. Sữa mẹ có kháng thể nhưng cũng có thể bị nhiễm trùng do bảo quản không tốt hoặc có đường khiến đường tạo nên ổ vi trùng, điều này càng làm cho tổn thương ở mắt nặng hơn. Nói sữa mẹ tốt nhưng thực tế vẫn còn nhiều cách điều trị bệnh an toàn hơn.
Về bệnh nhiễm, sai lầm nhiều nhất là việc tự điều trị bệnh trái rạ (thủy đậu). Đầu tiên, bệnh được dân gian gọi là trái rạ (bỏng rạ) bởi những bóng nước trên da của bệnh nhân giống những nốt dưới gốc rạ chính vì thế khi bị bệnh này lấy gốc rạ đốt lấy nước uống, nấu nước gốc rạ tắm.
Đây là cách chữa sai bởi trái rạ đã được khoa học khẳng định rõ là do virút, đã có cách chữa trị chính vì thế gốc rạ không thể trị được, đó là chưa kể gốc rạ bẩn có thể gây nhiễm trùng rất tai hại.
Các bài thuốc truyền miệng dân gian không hẳn đều là y học cổ truyền, cho nên nghĩ dân gian là do các thầy thuốc y học cổ truyền tạo nên là hoàn toàn sai.
Dân gian còn có cách sai lầm do tưởng tượng. Trái rạ hoặc ban nổi ra ngoài nghĩ nên cho xổ ra hết mới hết bệnh nên làm mọi cách như trùm kín, không tắm để trổ ban hoặc trổ nốt rạ, trong khi đó khoa học đã chứng minh, trẻ càng khỏe càng ít nổi bóng nước và trổ ban…
Kiêng ăn khi bị bệnh cũng là cách làm sai, vì chỉ có những bệnh khi ăn vào bị dị ứng mới kiêng các loại thức ăn đó. Kiêng thực ra là làm cho em bé ăn dễ tiêu hóa hơn chứ không phải cấm không cho ăn. Nhiều người có con bị tiêu chảy, nghĩ bụng yếu nên không cho ăn, trong khi lúc này ruột lại cần cung cấp dinh dưỡng…
Ngoài điều trị theo cách truyền miệng dân gian, một số phụ huynh còn tự điều trị cho con bằng thuốc. Một người mẹ ở Bình Chánh bị đái tháo đường thấy con thừa cân, trong lúc thử đường huyết cho mình, thấy con thừa cân thử luôn cho con, sau đó lấy thuốc cho mình cho con uống, sau khi uống, bé mê man bất tỉnh.
Tại bệnh viện, bệnh nhi hôn mê, thử máu thấy thiếu đường nghiêm trọng. May mắn là bé được cấp cứu kịp thời. Đây là cách suy đoán sai lầm, sai lầm đầu tiên là trong việc tự thử đường huyết, sai lầm tiếp theo là cho uống thuốc của người lớn.
Nhiều người lớn cho rằng cơ thể trẻ con là người lớn thu nhỏ, chính vì thế khi thấy con có bệnh cho con uống nửa liều thuốc người lớn. Không ít mẹ thấy con ho hoặc tiêu chảy thì lấy thuốc sẵn ở nhà cho uống, đây là các nghĩ hoàn toàn sai bởi trong thuốc tiêu chảy, thuốc ho người lớn có những thành phần không có lợi cho trẻ khiến cơ thể trẻ không thể chịu được.
Tóm lại, các bài thuốc truyền miệng dân gian không hẳn đều là y học cổ truyền, cho nên nghĩ dân gian là do các thầy thuốc y học cổ truyền tạo nên là hoàn toàn sai. Ngày nay khoa học đã phát triển, mọi bệnh đã có nhiều cách chữa trị. Suy nghĩ có bệnh vái tứ phương phải được xem lại bởi nếu điều trị sai và phản khoa học sẽ dễ khiến trẻ bệnh nặng hơn. Ngoài ra ngày nay, thông tin quá dễ tìm trên mạng internet nên phụ huynh cứ lên mạng để tìm cách chữa trị mà không biết chọn lọc cũng rất dễ gây hại cho trẻ.