Theo nghiên cứu của y học hiện đại, quả mận Bắc chứa nhiều axit amin như Asparagin, glutamine, glycine, axit hữu cơ và vitamin C. Ngoài ra, mận còn giàu chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón. Bên cạnh đó, quả mận Bắc còn có nhiều tác dụng trong việc giảm cân và bổ sung nguồn vitamin, khoáng chất dồi dào cho cơ thể.
Dù giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn quả mận Bắc. Dưới đây là những người nên hạn chế ăn mận Bắc.
Người mắc bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn mận Bắc
Quả mận Bắc chứa nhiều chất oxalate - gây cản trở sự hấp thụ calcium trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng kết tủa và tạo ra sỏi thận. Do đó, những người bị bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn mận Bắc để tránh nguy cơ tạo thêm nhiều sỏi. Đặc biệt, người mắc bệnh thận hay gia đình có tiền sử bị bệnh thận cũng nên hạn chế ăn mận Bắc.
Ngoài ra, mận còn có tác dụng lên một số loại thuốc, làm giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, người vừa trải qua phẫu thuật không nên dùng mận Bắc. Đồng thời, các bác sĩ khuyên người bệnh không nên ăn mận Bắc trong vòng 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn mận Bắc
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều mận Bắc. Nguyên nhân là bà bầu có thân nhiệt cao hơn bình thường, nếu ăn nhiều mận có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Người bị đau dạ dày và men răng kém nên hạn chế ăn mận Bắc
Mận Bắc có vị chua và tính axit cao, nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và men răng. Với những người bị đau dạ dày, các thành phần trong mận Bắc sẽ kích thích co thắt, khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Ở người lớn, men răng đã hình thành khá hoàn chỉnh, khi ăn mận quá nhiều, sự ảnh hưởng từ mận cũng được hạn chế. Tuy nhiên, với trẻ em, đối tượng có men răng yếu, ăn mận Bắc rất dễ bị ê buốt chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập, phát triển và tác động xấu đến răng, nướu.