Theo kết quả nghiên cứu đăng tải ngày 7/1 trên ấn phẩm trực tuyến Ung thư, một tạp chí của Hiệp hội Ung thư Mỹ, những bệnh nhân ung thư trong năm đầu tiên kể từ khi chẩn đoán bệnh có nguy cơ tự tử cao hơn so với bệnh nhân ung thư nói chung tại Mỹ.
Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu này giúp làm sáng tỏ thực tế: đôi khi ung thư không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của người bệnh mà trong quá trình chống chọi với bệnh tật, bệnh nhân đã bị trầm cảm và đã đi đến hành động tự tử.
Theo đó, tâm lý vững vàng, tinh thần lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị cho những bệnh nhân ung thư, đồng thời cũng tác động rất lớn đến thời gian sống của họ.
Ở nước ta, các bệnh nhận được chẩn đoán ung thư thường được phát hiện khi ở giai đoạn khá muộn vì thế do không ít người bị suy sụp về mặt tinh thần, ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị.
Người bệnh càng lo âu, suy nghĩ tiêu cực thì lại càng gây ra những tác động không tốt đến sức khỏe, làm cho sức đề kháng của cơ thể ngày càng yếu, không đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Bệnh nhân cần giữ tâm lý thật vững vàng, suy nghĩ lạc quan, tin tưởng vào bản thân. Bởi đó sẽ là “vị thuốc” vô giá giúp bạn chiến đấu với bệnh tật.
Tuy nhiên, việc lạc quan trong tinh thần của một người bệnh đều là sự phụ thuộc vào chính ý chí của bản thân người bệnh. Không một thầy thuốc giỏi nào có thể chữa được bệnh nếu người bệnh bi quan.
Hãy luôn yêu đời, lạc quan và nghĩ đến những điều tích cực nhất vì cuộc sống xung quanh chúng ta còn có rất nhiều điều ý nghĩa.
Bác sĩ Zee Ying Kiat, Trung tâm Ung thư Parkway Singapore, khuyên mọi người không nên xem ung thư là dấu chấm hết mà hãy nhìn nó với thái độ tích cực hơn, bởi thực tế đây là căn bệnh mạn tính hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc chữa khỏi.
Với sự tiến bộ không ngừng trong y học và công nghệ, rất nhiều loại ung thư trước đây không có thuốc chữa nhưng đến nay có thể điều trị khỏi.
Theo bác sĩ Zee, hiệu quả điều trị ung thư và thời lượng sống phụ thuộc rất nhiều vào thái độ sống của người bệnh.
Nhiều bệnh nhân trẻ ung thư giai đoạn đầu nhưng sống bi quan sẽ nhanh tử vong hơn người lớn tuổi mà sống lạc quan.
Ngoài việc tuân thủ theo liệu trình điều trị, tùy điều kiện sức khỏe mà các bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động ngoài xã hội.
Một trong những suy nghĩ thường trực của người bệnh là bị ốm chỉ nên ở nhà. Tuy nhiên, khi quanh quẩn ở trong nhà, ngại ra ngoài giao tiếp với xã hội lại rất nguy hiểm.
Việc ở nhà trong không gian khép kín sẽ khiến các bệnh nhân càng thấy mệt mỏi.
Được giao lưu và sẻ chia với nhiều người sẽ khiến tinh thần của các bệnh nhân phấn chấn hơn, lạc quan hơn, có niềm tin vào bản thân chiến thắng bệnh tật.
Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên cũng được coi là một cách hiệu quả nhất giúp các độc tố sẽ được đào thải nhiều hơn, giúp cơ thể cảm thấy sảng khoái, vui vẻ hơn, hỗ trợ tích cực cho các liệu pháp điều trị y khoa.