Ngoài ra, khả năng xử lý thông tin của tiềm thức nhanh gấp khoảng 1000 lần so với ý thức. Hiện nay rất nhiều trường Đại học và các viện nghiên cứu về con người đang phát triển các phương pháp thăm dò, kích hoạt cũng như tìm hiểu các cơ chế của tiềm thức. Vì họ đều hiểu được rằng, hầu hết các hành động, suy nghĩ, kế hoạch hay cả sự hạnh phúc và thành công của mỗi cá nhân đều được quyết định bởi tiềm thức của họ chứ không phải ý thức. Tiêu biểu ta có thể kể đến: Trường Đại học Harvard của Mỹ, Biialab Mỹ, Viện Giải mã sinh học ở Tây Ban Nha,…
Hệ thần kinh trung ương của con người giống như một máy tính siêu việt, phần cứng (Hardware) chính là bộ não với các cấu trúc mô não trong đó quan trọng nhất là các tế bào thần kinh, hệ tuần hoàn não và các bộ phận khác xung quanh. Phần mềm (Software) là phần không nhìn thấy, chính là những suy nghĩ, ý tưởng, sự tưởng tượng, những kế hoạch, quyết định,… Một bộ não khỏe mạnh về phần cứng và linh hoạt, nhạy bén từ phần mềm sẽ tạo nên sự thành công của người mang bộ não đó. Có một cách để tìm hiểu phần mềm này chính là thông qua sự thể hiện của nó dưới dạng sóng. Tuy ta không nhìn thấy các suy nghĩ, kế hoạch…nhưng ta có thể nhìn thấy hoạt động của bộ não qua sóng Điện não đồ (Viết tắt là EEG). Sóng điện não đồ cho chúng ta biết hoạt động của bộ não khi ta thức, khi ta ngủ, khi ta thiền, khi ta đang tập trung vào một vấn đề, thậm chí cho ta biết khi nào ý thức hoạt động chính và khi nào là tiềm thức hoạt động chính. Và đây là cơ sở cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em dưới 7 tuổi, bởi tần số sóng Điện não đồ của các trẻ em độ tuổi này có những nét đặc trưng được phân tích dưới đây.
Theo các nhà khoa học, điện não có 5 loại sóng, khác nhau bởi tần số và được gọi là: Delta, Theta, Alpha, Beta và Gamma.
Sóng Delta (tần số khoảng 2-4 sóng/giây hay 2-4 Hz): Tiềm thức hoạt động chiếm ưu thế, sóng này xuất hiện khi ta đang trong giấc ngủ sâu và là sóng não chủ yếu của trẻ em dưới 3 tuổi, nhất là 18 tháng đầu.
Sóng Theta ( Khoảng 4-8 Hz): Tiềm thức vẫn hoạt động nhiều, sóng này xuất hiện ở người lớn trong trạng thái thiền, thôi miên, thư giãn cao độ, giấc ngủ chưa sâu hay đang mơ và là sóng não chủ yếu ở trẻ em 3-7 tuổi, vẫn có thể gặp ở các trẻ lớn hơn.
Sóng Alpha (8-16 Hz): Tiềm thức hoạt động giảm đi, sóng này xuất hiện ở người lớn khi đang không làm việc, đang ngồi nghỉ, đang đi dạo thư giãn nhẹ nhàng. Trẻ em trên 7 tuối giảm sóng Theta và dần dần chiếm ưu thế sóng Alpha khi càng lớn lên.
Sóng Beta (16-35 Hz): Khi rất tỉnh táo, ý thức hoạt động cao độ, đang suy nghĩ, bàn luận hay tập trung làm một công việc gì đó.
Sóng Gamma (Trên 35 Hz): thường không đo được tần số này, vì sóng Gamma chỉ xuất hiện trong những tình huống đặc biệt mà bộ não phải tập trung cao độ nhất, tổn hao năng lượng nhiều nhất, ví dụ: Đang chọn lựa để cắt giây bom, đang bị hổ đuổi, đang chiến đấu sống còn,…
Qua những cơ sở trên, chúng ta thấy rằng tiềm thức hoạt động nhiều khi sóng não (EEG) ở dạng Delta hay Theta, tức là khi người lớn ở trang thái ngủ hay thiền và đây cũng là sóng não chủ đạo của trẻ em dưới 7 tuổi mà tiềm thức xử lý thông tin nhanh hơn ngàn lần so với ý thức. Chính điều này nói nên tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em và nhất là giai đoạn dưới bảy tuổi. Người Do Thái là một ví dụ điển hình, họ đặt giáo dục trẻ nhỏ là việc tối quan trọng, quyết định đến 75% tương lai của chúng sau này. Người Do Thái chỉ chiếm 0,2 dân số thế giới (hơn 14 triệu dân), nhưng được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới, với sự đóng góp 50% vào các công trình khoa học và sự tiến bộ của nhân loại. Ở Châu Á, Nhật Bản và Singapo là hai nước có nền giáo dục với sự quan tâm đặc biệt vào thế hệ trẻ nhất là mần non và tiểu học. Chế độ dinh dưỡng của các em cũng như trình độ học vấn và đạo đức của các giáo viên được xem xét rất nghiêm túc và chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố cho sự phát triển mạnh mẽ của hai dân tộc này là nhờ vào chính sách giáo dục.
Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong đó có sự biến chuyển về nhận thức. Rất nhiều ông bố bà mẹ đã ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái khi còn nhỏ. Với những thông tin trên hi vọng bổ sung phần nào cho sự nhận thức này. Bên cạnh đó, cũng có những cặp vợ chồng chưa ý thức được, hoặc cho rằng học cấp 3 rồi Đại học mới là quan trọng nhất. Một em bé hai tuổi có thể nghe và nói được hơn 3 ngoại ngữ trong vòng 6 tháng đến 1 năm, thậm chí còn hơn nữa nếu chúng ta biết phương pháp dạy. Nhưng một người lớn học 5 năm Đại học, vẫn có thể phát âm một ngoại ngữ chưa thành thạo. Trẻ em là nguồn lực, là tương lai của xã hội, của đất nước. Hiểu được sự hoat động của bộ não trẻ em dưới 7 tuổi chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ, từ cấp độ gia đình đến trường mầm non và năm đầu của tiểu học. Đầu tư giáo dục cho trẻ em giai đoạn này chính là đầu tư cho tương lai phồn vinh của dân tộc sau 30 năm nữa. Đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.