Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 8-11, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - mẹ của bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) - cho biết con bà đã xuất viện về nhà vào ngày 7-11, sau gần một tháng điều trị sốt xuất huyết tích cực.
Hiện sức khỏe chị Phương đã ổn định, nhưng chỉ được ăn thức ăn lỏng và chân còn yếu nên chưa thể tự đi đứng được.
Bà Dung nhớ lại thời điểm con bà bắt đầu có triệu chứng sốt cao, nhức đầu nhiều vào đầu tháng 10. Sau đó con bà Dung còn bị nôn ói và nặng hơn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM). Sau hơn ba ngày điều trị, bệnh nhân vẫn còn nguy kịch nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Tại đây, bác sĩ thông báo chị Phương mắc sốt xuất huyết thể nặng, sốc, tổn thương gan nặng, suy thận, viêm phổi... nên cơ hội sống rất thấp.
“Vừa đưa con vào bệnh viện, bác sĩ nói con chỉ còn 2 phần sống, 8 phần còn lại đã chết, gia đình chuẩn bị tinh thần. Tôi bàng hoàng, khóc rất nhiều như chết ngất. Các thành viên của gia đình có mặt ở đây nói bác sĩ ráng cứu giúp Phương”, bà Dung nói.
Sau 18 ngày điều trị tích cực (thở máy, lọc máu, thay huyết tương, dùng kháng sinh…) tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn, bệnh nhân Phương đã tỉnh dậy, không còn thở máy.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục chuyển đến tại khoa nội B điều trị, theo dõi. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan - trưởng khoa nội B - cho biết bệnh nhân đã được dùng nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị đặc hiệu và thời gian điều trị kéo dài nên tổng chi phí lên đến hơn 260 triệu đồng, thế nhưng bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế (BHYT) nên phải tự chi trả toàn bộ số tiền này.
Bà Dung cho biết thêm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tất cả các thành viên trong gia đình đều không mua BHYT, trừ hai đứa con của chị Phương có thẻ BHYT mua tại trường học. Với tổng chi phí “khủng”, gia đình bà Dung rất lo lắng, chạy khắp nơi xin, mượn, vay tiền. Cùng với sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, tính đến nay gia đình còn gần 100 triệu đồng phải thanh toán cho bệnh viện.
“Tôi cảm ơn y bác sĩ bệnh viện rất nhiều, không những đã cứu chữa con tôi được sống mà còn lo lắng, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị vì con tôi không có BHYT”, bà Dung nói.
Không chỉ sốt xuất huyết gây bệnh nặng ở người lớn mà còn cả ở trẻ em. Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị bệnh nhi trên 6 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng, phải lọc máu và thay huyết tương 5 chu kỳ với tổng chi phí lên đến hơn 120 triệu đồng.
Dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhi không qua khỏi. Bệnh nhi này đã nghỉ học, nhà nghèo, ở tỉnh nên không có BHYT. Bệnh viện phải kêu gọi nhà hảo tâm và duyệt miễn phí hỗ trợ.
“Các bé bị sốt xuất huyết nặng thường trên 6 tuổi nên nhóm này phải mua BHYT gấp. Nếu trẻ đi học sẽ có bảo hiểm học sinh nhưng bé này nghỉ học và đã tử vong sau thời gian cứu chữa”, bác sĩ Việt chia sẻ.