Cả nước còn 62 ca COVID-19 nặng
Theo Bộ Y tế, ngày 10/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 961 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (tăng 162 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 812 ca trong cộng đồng).
Hà Nội vẫn nhiều nhất, con số vẫn tiếp tục dưới 200 ca; 41 tỉnh, thành phố còn lại ca mắc từ 1- 77 ca/ ngày; trong đó có 16 địa phương ghi nhận dưới 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 857 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.729.681 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.351 ca nhiễm).
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước còn hơn 1,14 triệu người mắc COVID-19 đang giám sát, điều trị, trong đó chỉ có 62 ca nặng;
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.721.916 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.571), TP. Hồ Chí Minh (609.637), Nghệ An (484.980), Bắc Giang (387.629), Bình Dương (383.788).
Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi: 9.540.598 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.146.002 trường hợp, trong đó có 62 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 55; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3; Thở máy không xâm lấn: 1; Thở máy xâm lấn: 3.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là các đối tượng nguy cơ cao
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…);
Tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm hoàn thành tiêm mũi 3 cho người cần tiêm và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
Bộ Y tế thường xuyên ban hành các Công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
TP Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch bền vững phòng COVID-19 cho người dân Thành phố
Theo đó, bên cạnh những đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 như: người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp), UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận mở rộng thêm đối tượng cán bộ tuyến đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19, đó là giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các sở, ban, ngành Thành phố, công ty, doanh nghiệp.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, công ty, doanh nghiệp lập danh sách người đủ điều kiện tiêm mũi 4 phối hợp với UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương tiêm cho người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Theo ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam: Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị kịp thời cho bé gái H.T.K.L. (2 tuổi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bị dây balô siết cổ, suýt tử vong.
Khai thác bệnh sử cho biết khi đang chơi ở nhà trẻ, bé L. tới gần chiếc balô có dây treo ở vách tường để chơi, đưa đầu vào vòng dây balô. Khi bé xoay người, dây balô siết cổ bé. Bé tìm cách thoát ra, nhưng lại quay người tiếp tục làm dây quấn thêm.
Các cô giáo tại nhà trẻ phát hiện, gỡ dây balô khỏi cổ và nhanh chóng đưa bé L. đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận trẻ tím tái, lơ mơ, mê, gồng chi, trợn mắt, thở yếu, chấm xuất huyết quanh 2 mắt, trán, hai bên má, vết sây sát da vùng cổ dài 4cm, rộng 0,5cm.
Trẻ được chẩn đoán tai nạn sinh hoạt do dây balô quấn cổ, suy hô hấp, thiếu oxy não, được đặt nội khí quản giúp thở, chống gồng giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, kháng sinh.
Xét nghiệm khí máu động mạch có tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương gan, được điều trị bù bicarbonate và hỗ trợ gan.
Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, thở oxy, sau đó thở khí trời, tỉnh táo.
Qua trường hợp này, BS Minh Tiến lưu ý phụ huynh trong mùa hè ngoài việc lo phòng tránh bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… cũng chú ý đến những tai nạn sinh hoạt trong nhà, nhà trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ nên luôn cần có người trông coi trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
Hằng năm cứ vào dịp hè Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp nhận các trẻ ngạt nước, ong đốt, rắn cắn, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, sặc sữa, sặc cháo, tai nạn té ngã, vết thương do vật sắc nhọn… nên phụ huynh có con nhỏ hết sức cẩn thận thiết kế ngôi nhà an toàn cho trẻ...
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 4-11/6, thế giới ghi nhận số ca tử vong và mắc mới COVID-19 giảm.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 539.682.341 ca, trong đó có tổng cộng 6.329.597 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 3.774.473 ca mắc mới (giảm 247.822, tương đương 6% so với tuần trước nữa). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 9.083 ca (giảm 662 ca, tương đương 7% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (757.046 ca), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (1.798 ca, giảm 3% so với tuần trước nữa).
Thế giới cũng ghi nhận 3.830.604 trường hợp COVID-19 phục hồi trong quãng thời gian này. Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn "nóng" nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.