Hoa thược dược của Việt Nam hiện chưa được chứng minh có công dụng để chữa bệnh! Thực tế, người dân lẫn nhiều lương y bị nhầm lẫn tên gọi hoa thược của Việt Nam với thược dược của Trung Quốc.
Cụ thể, hoa thược dược của Việt Nam thuộc họ cúc có tên khoa học Dahlia pinnata. Sở dĩ loài hoa này có tên gọi Dalhia là để tưởng nhớ tới nhà thực vật học Thụy Điển Andreas Dahl. Chính ông đưa củ rể bông thược dược có nguồn gốc từ Mêxicô vào châu Âu năm 1788.
Sau khi được người dân Tây Ban Nha trồng phổ biến, loài hoa sang trọng này lan ra khắp nơi trên thế giới nhờ màu sắc phong phú như hoa thược dược đen, tím, vàng, đỏ, cam… Tại Việt Nam, chỉ một số loại hoa thược dược đưa vào cho phù hợp với khí hậu nước ta.
Còn cây thược dược của Trung Quốc thuộc họ Mao lương lại có tên khoa học Paeonilia lactiflora. Loài này còn có tên bạch thược dược, là dạng cây sống lâu năm, cao từ 50-80cm, rễ củ to, thân mọc thẳng đứng, không có lông.
Hoa rất to, mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng. Mùa hoa nở vào tháng 5-7 ở Trung Quốc và mùa quả vào tháng 6 – 7.
Hoa thược dược mà nhiều người đang truyền tai nhau là vị thuốc bổ huyết không phải là thược dược làm cảnh ở Việt Nam mà nó là vị thuốc Bạch Thược của Trung Quốc. 2 cây này thuộc họ khác nhau.
Tóm lại, vị thuốc Bạch Thược của Trung Quốc thuộc chi thược dược nên còn gọi là Bạch thược dược hoặc thược dược nên người Việt dễ nhầm lẫn.
Vị thuốc Bạch thược (Radix Paeoniae albae) chính là bộ phận rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch thược dược. Vì vị thuốc màu trắng nên có tên như vậy. Vị thuốc này có chất tinh bột, tannin, canxi oxalat, một ít tinh dầu, axit benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy.
Vị thuốc có vị đắng, chua hơi hàn, với tác dụng làm thuốc giảm đau, thông kinh để điều trị các bệnh đau bụng do ruột co bóp quá mạnh, nhức đầu, chân tay nhức mỏi, kinh nguyệt không đều, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó…
Người bệnh có thể dùng từ 6-12g/ngày dạng thuốc sắc.
Thược dược biểu trưng cho tình yêu chung thủy, cho sự trường tồn của tình yêu. Hoa thược dược cho lễ cưới như một lời khẳng định “tình yêu chúng ta sẽ mãi mặn nồng, tình yêu đó sẽ tồn tại cho đến khi hai ta chia lìa nhau.
Tiến sĩ bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan
Phó Giám đốc Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM