Về phía gia đình của Nguyễn, ngay từ thuở mới lớn, mẹ của anh vẫn thường kể cho con trai của bà nghe những câu chuyện mà qua đó, những gia đình này gia đình kia do không có con trai mà trở thành “tuyệt tự”, “không người nối dõi”, theo tư tưởng phong kiến từ xưa truyền lại, không có con trai là điều bất hạnh nhất của một gia đình.
Nghe lời mẹ than phiền về tình trạng vợ chồng mình chỉ có hai con gái, Nguyễn rất sốt ruột. Cuộc sống vợ chồng của Nguyễn và Hoa cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Hoa làm gì lại không hiểu được tâm ý của bà mẹ chồng, nhưng miễn là chồng cô không lạnh nhạt, phụ bạc với cô, điều đó đối với cô đã là chỗ dựa và niềm an ủi rất lớn rồi.
Lắm lúc, có những đêm cô thức giấc lúc nửa đêm và nằm khóc một mình. Cô cũng muốn học đòi như mẹ chồng, chịu khó sinh nở thêm vài đứa con nữa, cho đến khi nào chồng cô bói ra được “một đứa có chim” (như cô vẫn nói đùa với chồng) thì thôi. Nhưng Nguyễn vốn biết thể chất Hoa không tốt, cô trải qua hai lần sinh nở đã là một điều rất mạo hiểm rồi. Chẳng phải bác sĩ đã từng nói rằng Hoa không nên sinh nở quá một lần, vì càng sinh nở, khả năng nguy cơ bệnh tim của cô sẽ phát tác càng lớn, có thể đe dọa đến tính mạng.
Đó chính là lý do khiến Nguyễn hoàn toàn không muốn nghe lời mẹ, bắt vợ phải sinh nở thêm lần nữa. Câu chuyện cứ giằng co mãi như thế. Được hai năm sau, Hoa tình cờ bỗng phát hiện Nguyễn có con riêng với một người đàn bà khác, đặc biệt đứa trẻ đó lại là con trai. Khi hay tin, cô vừa mừng cho chồng vừa cảm thấy rất đau hổ, tủi thân.
Câu chuyện Nguyễn có con riêng bên ngoài như sau, qua giao tiếp, Nguyễn quen với một cô tên Linh. Nói rằng Linh đến với Nguyễn vì vẻ điển trai của anh cũng đúng, hoặc vì Nguyễn giàu có cũng không sai. Về phía Nguyễn, tuy Linh có xinh đẹp thật, nhưng cô không phải mẫu phụ nữ để anh đem lòng yêu thương.
Ở Linh, cô không đòi hỏi gì nhiều nơi Nguyễn ngoài sự bao bọc cho cô cả về tài chính lẫn tinh thần. Cô không hề can dự hay tranh thủ sự chia sớt tình cảm của Nguyễn đối với Hoa. Nói tóm lại, cô chỉ biết rằng Nguyễn biết quan tâm, lo lắng cho hai mẹ con cô, thế là đủ.
Dĩ nhiên mẹ của Nguyễn rất vui lòng khi thấy rốt cuộc cậu con trai cũng đã có được mụn con trai để nối dõi cho chồng bà. Đối với bà, như thế là đã quá đủ. Kể từ đó bà đã thôi, không còn chì chiết con trai nữa. Nhưng kẻ bắt đầu chì chiết Nguyễn bây giờ chính là vợ của anh.
Hoa không phải là người phụ nữ ưa nói nhiều hoặc nói đi nói lại nhiều lần. Sau khi biết chuyện, cô chỉ gọi chồng vào phòng riêng nói chuyện một hồi lâu. Qua câu chuyện, cô đề nghị cô và Nguyễn nên ly dị nhau. Theo cô, khi người ta không còn yêu nhau thì không nên sống chung với nhau nữa. Mặc cho Nguyễn hết lời phân bua rằng anh vẫn còn rất thương yêu cô, chẳng qua chuyện có con với người đàn bà kia chỉ là để cho mẹ của anh được hài lòng mà thôi. Nghĩa là từ trước đến sau, trong lòng anh chỉ có một mình Hoa mà thôi.
Nhưng mặc cho Nguyễn nói gì thì nói, Hoa đã quyết tâm làm đơn ly dị. Dĩ nhiên, sau khi quá trình ly dị giữa hai người đã xong xuôi, kẻ đi ra khỏi nhà là Nguyễn chứ không phải là Hoa. Điều dễ hiểu vì Hoa vốn đã đứng tên sở hữu chủ ngôi nhà này từ trước ngày cô thành hôn với Nguyễn. Nói kể cũng lạ, thủ tục vợ chồng ly dị đã xong hết. Nhưng Nguyễn vẫn không muốn ra khỏi nhà, anh chỉ lặng lẽ dọn chăn gối, đồ đạc sang một căn phòng khác để ở. Hàng ngày vợ chồng vẫn đi làm xong về đến nhà, việc ai người nấy làm. Cơm nước vẫn ăn chung, và cùng lo liệu các công việc trong nhà và chăm sóc con cái, nghĩa là mọi việc vẫn y hệt như thuở hai người chưa ký đơn ly dị. Chỉ có khác ở chỗ bây giờ giường ai người ấy nằm.
Hoa hiểu rằng Nguyễn vẫn còn yêu thương cô nồng thắm. Còn Nguyễn, anh đối xử, chăm sóc vợ vẫn như ngày trước. Tuy cô vẫn đón nhận sự chăm sóc của anh, nhưng không hề ban phát cho anh một nụ cười, cũng không đành lòng xua đuổi anh ra khỏi nhà. Nguyễn cũng chỉ mong có chừng đó, với hy vọng biết đâu một ngày nào đó vợ anh sẽ nghĩ lại và nối lại mối tình xưa.