Việc thay đổi tâm trạng thất thường trong thời gian mang thai là một hiện tượng hoàn toàn bình thường do sự căng thẳng, mệt mỏi và sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh não bộ của mẹ bầu.
Cảm giác này xuất hiện nhiều nhất trong khoảng từ tuần thai thứ 6 đến thứ 10, giảm dần trong ba tháng thai kỳ thứ hai và sau đó lại trở lại khi ngày sinh dự tính đến gần.
Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu "sáng nắng chiều mưa"?
Theo các chuyên gia, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, sau khi người phụ nữ mang thai, do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, sự cân bằng của hệ thống dẫn truyền thần kinh bị ảnh hưởng, cộng với các phản ứng sinh lý khác nhau khi mang thai như ốm nghén, đi tiểu nhiều,… khiến tâm trạng của họ dễ bị mất kiểm soát.
Thứ hai, thai kỳ kéo dài 9 tháng 10 ngày là một hành trình đầy lo lắng và áp lực cho người mẹ. Họ phải chịu áp lực khi ngoại hình bỗng dưng thay đổi hay cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của thai nhi nếu có bất kỳ nguy cơ và rủi ro nào với đứa bé trong bụng đều rất khó chấp nhận đối với người mẹ.
Thứ ba, người mẹ còn luôn băn khoăn, lo lắng về tương lai của đứa trẻ như cách nuôi dạy con, tài chính, công việc,…
Điều gì xảy ra nếu mẹ bầu không thể kiểm soát tâm trạng?
Trung bình có khoảng 14 đến 23% phụ nữ bị trầm cảm nhẹ đến trung bình trong thai kỳ, và rất có thể mẹ đang thuộc số đó. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai là vô cùng nghiêm trọng đó mẹ!
Nếu nhận thấy rằng tâm trạng của mình có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày, mẹ có thể đang bị rối loạn lo âu.
Nếu tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, rất có thể mẹ chuyển sang bị rối loạn lưỡng cực, một tình trạng giao chuyển liên tục giữa trầm cảm và hưng cảm.
Làm thế nào để giúp bà bầu giải tỏa tâm trạng?
Phụ nữ khi mang thai thường không ổn định về mặt cảm xúc. Họ thường bộc lộ những cảm xúc tương đối tiêu cực.
Làm bất cứ điều gì khiến mẹ thấy thoải mái.
Điều này có thể là dành một khoảng thời gian lãng mạn với chồng, nghỉ ngơi nhiều, đi dạo, đi mát-xa trước khi sinh hoặc xem phim với bạn bè.
Chia sẻ.
Hãy nói về những mối lo lắng về tương lai với một người bạn thân thiết. Chia sẻ những vấn đề lo lắng với người khác giúp mẹ nhận được những lời khuyên, giải pháp hoặc sự hỗ trợ ngay khi cần thiết. Luôn giữ mỗi quan hệ với bạn đời hai chiều: chia sẻ những quan tâm lo lắng và đồng thời lắng nghe anh ấy.
Giảm bớt căng thẳng.
Thay vì để cho cảm xúc tiêu cực tích tụ, hãy tìm cách giải tỏa chúng. Nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ, tập thể dục và vui chơi. Xác định đâu là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng và thay đổi những gì có thể. Nếu vẫn cảm thấy sự lo lắng này không giảm bớt, hãy thử tham gia một lớp yoga cho bà bầu, ngồi thiền hoặc tập luyện các phương pháp thư giãn cơ thể có lợi khác.