Chị em đã hiểu hết về chu kỳ của mình hay chưa?
Trước khi trả lời cho câu hỏi “khi mang thai có kinh nguyệt không?", trước tiên chị em hãy tìm hiểu về sinh lý hàng tháng của mình.
Kinh nguyệt là hiện tượng niêm mạc tử cung bị bong ra, chảy máu kèm theo các mảnh vụn của niêm mạc. Hiện tượng này có tính chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài từ 28 – 30 ngày và thời gian ra máu kinh nguyệt chỉ kéo dài từ 3 – 5 ngày.
Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu từ khi phụ nữ bước vào tuổi dậy thì, dưới tác động của hormone GnRH tiết ra từ vùng dưới đồi, tuyến yên sẽ tăng tiết FSH tác dụng lên buồng trứng, đẩy mạnh quá trình trưởng thành của nang trứng.
Đến ngày thứ 14 – 15 của chu kỳ, tuyến yên sẽ tăng tiết LH cần thiết cho sự rụng trứng. Tiếp theo đó, hormone estrogen do nang trứng tiết ra sẽ giúp lớp niêm mạc của tử cung phát triển và chuẩn bị cho sự làm tổ của phôi. Sau khi trứng rụng, nang trứng sẽ phát triển thành thể vàng. Thể vàng tiết progesterone để hỗ trợ duy trì lớp niêm mạc tử cung:
Nếu trứng được thụ tinh và phát triển thành phôi: Phôi sẽ di chuyển về tử cung, làm tổ và phát triển thành thai. Thai sẽ tiết hCG giúp duy trì thể vàng và ổn định lượng progesterone, đảm bảo lớp niêm mạc vẫn phát triển và luôn được duy trì trong suốt thai kỳ.
Nếu trứng không được thụ tinh: Thể vàng dần thoái hóa, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra kèm theo chảy máu. Sau khi kết thúc hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ được bắt đầu.
Phụ nữ khi mang thai có kinh nguyệt không?
Khi mang thai có kinh nguyệt không? Câu trả lời là “không”. Vậy tại sao khi mang thai lại không có kinh nguyệt?
Bởi vì khi trứng rụng gặp được tinh trùng và thụ thai thành công thì phôi sẽ làm tổ trong tử cung, phát triển thành thai nhi. Lớp niêm mạc tử cung cho phôi làm tổ này sẽ được duy trì suốt thời gian thai kỳ. Vì vậy sẽ không có hiện tượng bong tróc kèm chảy máu, do đó phụ nữ mang thai sẽ không có kinh nguyệt nữa.
Tại sao có dấu hiệu mang thai nhưng vẫn có kinh nguyệt?
Như đã đề cập ở trên, về mặt lý thuyết thì trong khi mang thai có kinh nguyệt không, câu trả lời là “Không”. Nhưng theo bác sĩ sản khoa, khi mang thai chị em phụ nữ có thể vẫn ra máu, máu này là máu báo hiệu có thai do quá trình làm tổ của phôi trên bề mặt niêm mạc. Vì vậy nhiều chị em thắc mắc về vấn đề mới mang thai vẫn bị hành kinh hoặc có thai tháng đầu nhưng vẫn ra kinh nguyệt.
Nguyên nhân là do khi phôi làm tổ, phôi sẽ xâm lấn vào lớp niêm mạc tử cung gây ra tình trạng bong tróc của niêm mạc, kèm theo hiện tượng xuất huyết. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà máu báo thai này xuất hiện ít hay nhiều và thời gian xuất hiện thường vào khoảng 8 – 15 ngày sau khi quan hệ.
Máu báo có thai chỉ ra rất ít, màu đỏ tươi, không có dịch nhầy, không có cục máu đông. Thời gian ra máu báo thai từ 1 – 2 ngày. Chị em có thể phân biệt máu kinh với máu báo thai bằng các đặc điểm như:
Máu kinh: Màu đỏ sẫm, ra nhiều, ra ồ ạt, có thể kéo dài từ 3 - 5 ngày, ít dần ở những ngày cuối và đến ngày thứ 7 sẽ sạch hẳn.
Máu thai: Máu tươi, không kèm dịch nhầy, ra ít và nhỏ giọt nhưng cũng kéo dài từ 3 - 5 ngày hoặc ngắn hơn, tùy từng người. Phụ nữ chịu tác động của tư thế làm việc hoặc mắc bệnh lý thì máu thai ra nhiều và cũng có màu bất thường.
Trường hợp phụ nữ có thai nhưng có kinh nguyệt sau 3 tháng đầu và tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt kèm theo các biểu hiện như ra nhiều máu, máu có màu sắc bất thường, đau bụng liên tục, chóng mặt… thì chị em nên đi khám bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non hoặc thai ngoài tử cung.
Đau bụng có thai có giống đau bụng kinh?
Để nhận biết sự khác biệt giữa đau bụng kinh và đau bụng khi có thai, chị em cần chú ý cảm nhận kĩ càng thì mới có thể nhận ra:
1. Đau bụng kinh
Là cơn đau âm ỉ liên tục, có sự co thắt ở vùng bụng dưới. Đau bụng kinh có thể lan ra sau lưng và lan xuống đùi, gây áp lực ở vùng bụng, khó chịu ở dạ dày, phân lỏng... Một số chị em bị đau nặng có thể bị chuột rút vùng lưng dưới hoặc bụng dưới tầm 1 - 2 ngày trước khi có kinh nguyệt và đau trong suốt kỳ kinh.
Đau bụng kinh xuất hiện trong thời kỳ kinh nguyệt do hormone prostaglandin gây ra các co bóp tử cung để thải ra chất đệm lót tử cung. Tuy nhiên đau bụng kinh cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, xơ tử cung, viêm vùng chậu, hẹp cổ tử cung...
2. Đau bụng khi có thai
Đau thường lệch hẳn về một bên và chỉ đau lâm râm. Thường khi chị em đứng lâu thì sẽ bị đau, hoặc khi hắt hơi, khi cười... Đau bụng khi có thai thường chỉ xuất hiện trong những tuần đầu thai kỳ, cơn đau ở vùng bụng dưới gây cảm giác tức bụng. Ngoài ra, khi mang thai, nếu người phụ nữ bị ốm nghén và nôn ọe nhiều thì cũng có thể dẫn đến đau bụng.
Có thể xuất phát từ những thay đổi của cơ thể khi em bé đang hình thành: Táo bón, giãn dây chằng, đầy bụng, khó tiêu... Tuy nhiên, đau bụng khi có thai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những nguy hiểm cho thai nhi và mẹ ví dụ như thai ngoài tử cung, sảy thai, dọa sinh non, tiền sản giật, rau bong non...
Có kinh trễ không chắc chắn đã mang thai
Dấu hiệu nhận biết có thai đầu tiên đó chính là chậm kinh, vì vậy chắc chắn là khi có thai thì sẽ không có kinh nguyệt tuy nhiên điều ngược lại chưa chắc sẽ đúng với mọi trường hợp.
Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 21 - 35 ngày có thể được xem là bình thường. Vì vậy, sau khoảng thời gian này mà chị em vẫn chưa có kinh thì được tính là chậm kinh. Nếu chỉ chậm 2 – 3 ngày thì cũng không có gì đáng ngại.
Ngược lại, nhiều người chậm kinh cả tuần, thậm chí cả tháng liền cho rằng mình đang mang thai, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vẫn có những trường hợp chậm kinh nhưng vẫn không có thai. Nguyên nhân gây chậm kinh khá đa dạng:
Chậm kinh do rối loạn nội tiết tố, do căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, chế độ ăn uống kiêng khem không đủ chất…
Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng các loại thuốc kháng sinh dài ngày, thuốc nội tiết tố, thuốc giảm cân, thuốc an thần hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp… cũng có thể gây chậm kinh.
Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… cũng là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, trong đó có chậm kinh.
Tuổi tác: Khi mới bước vào giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt có thể không đều, vòng kinh dài ngắn chưa ổn định. Hoặc bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, việc trễ kinh hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, chậm kinh cũng có thể do 1 số bệnh lý: Hội chứng buồng trứng đa nang, tuyến giáp thất thường… đều ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Muốn biết chính xác có thai hay không, phương pháp chắc chắn và hiệu quả nhất là xét nghiệm thử thai. Chị em có thể mua que thử thai tại bất kỳ siêu thị hoặc nhà thuốc tây nào. Hầu hết những sản phẩm này đều có độ nhạy cao, dễ dàng xác định có sự hiện diện của hormone hCG – hormone thai kỳ tiết qua nước tiểu. Que thử này giúp chị em biết mình có thai hay không mà không cần phải chờ đến khi trễ kinh.
Qua bài viết này, chắc hẳn chị em đã có được cho mình lời giải đáp về thắc mắc khi mang thai có kinh nguyệt không. Hiểu rõ hơn về chu kỳ của mình cũng là cách mà chị em gìn giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình.