Trước tiên, tôi muốn nói về phụ nữ làm chủ tình yêu. Các thông điệp về chủ quyền của phụ nữ bắt đầu thể hiện mạnh mẽ qua các bài hát hit làm mưa làm gió suốt thời gian qua như “Bùa Yêu” của Bích Phương, “Mời anh vào team em" của Chi Pu với các câu từ và giai điệu khá dễ thuộc:
Bùa yêu
“Yêu hay không yêu không yêu hay yêu nói một lời
Bên nhau hay thôi, chỉ một lời ù hú u u ù”
Mời anh vào team em
“Chạm đôi môi lên team em đi
Mình là của nhau anh ơi lo chi
Này chạm môi hôn lên môi em đi
Anh ơi!
Mời anh vào team của em xem có gì nào,
có gì nào?"
Rõ ràng, người phụ nữ Việt Nam đang hướng ngoại rất nhanh, họ thay đổi tư duy và không còn là e ấp, chờ đợi người đàn ông tìm đến mình mà chính họ chủ động trong tình yêu. Nếu như Chi Pu đại diện cho người phụ nữ ngọt ngào quyến rũ, lém lỉnh và cũng không kém phần thông minh để chủ động trong một cuộc tình thì Bích Phương đại diện cho người phụ nữ xinh đẹp sắc sảo và ma mị để thu hút người đàn ông họ thích. Họ biết cách phơi bày nét đẹp gợi cảm mà tạo hóa ban cho người phụ nữ để lôi cuốn phái mạnh. Họ đủ tự tin, thông minh, mạnh mẽ và quyết đoán trong mọi cuộc tình.
Tiếp theo, tôi muốn nhắc đến một hiện tượng nóng đang nổi lên rất nhanh hiện nay chính là mẹ đơn thân, những người phụ nữ làm chủ hôn nhân. Thực trạng đáng buồn là ngày càng có nhiều mẹ đơn thân và điều đáng quan tâm là những người phụ nữ ấy rơi vào lứa tuổi khá trẻ từ 20 tuổi đến 35 tuổi. Tỷ lệ này tăng nhanh như một trào lưu hiện nay tại Việt Nam. Thật ra, không người phụ nữ nào muốn đánh đổi hạnh phúc của mình vì phong trào cả. Khi kinh tế phát triển, tư duy thay đổi, người phụ nữ trở nên mạnh mẽ hơn, từ làm chủ kinh tế dần dần họ chuyển sang làm chủ tình yêu và hôn nhân là điều đương nhiên. Tư tưởng xã hội thoáng hơn, gia đình, xã hội sẵn sàng chấp nhận mẹ đơn thân và họ cũng có nhiều cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc mới chứ không còn khắt khe và bị dị nghị như xưa giúp họ giảm một phần nào áp lực để đi đến quyết định ly hôn. Họ quan niệm rằng trẻ con bây giờ rất thông minh, chúng không thể hạnh phúc nếu ba mẹ chúng không có hạnh phúc, duy trì một cuộc hôn nhân gượng ép là sự giả tạo và dằn vặt, sẽ làm tổn thương bọn trẻ. Chúng cần một môi trường mà nơi đó cả ba và mẹ chúng đều vui vẻ và hạnh phúc để phát triển tốt. Đồng ý rằng không được sống cùng ba mẹ trong một mái ấm là một thiệt thòi, nhưng vẫn hơn phải sống trong một mái nhà nặng nề như địa ngục trần gian. Hơn thế nữa, phụ nữ hiện đại đủ khả năng độc lập kinh tế để đảm bảo vật chất cho đứa trẻ.
Rõ ràng, với một người phụ nữ độc lập về tài chính họ luôn biết giá trị mình nằm ở đâu và có sự thu hút phái mạnh. Họ biết chăm sóc bản thân, họ tài năng và càng mặn mà khéo léo hơn sau tan vỡ hôn nhân. Tất nhiên một người phụ nữ như thế rất có sức hút và họ nhanh chóng tìm được bến đỗ hạnh phúc mới. Có thể thấy rõ qua ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, ngôi sao một thời của thế hệ 8X với các bài hát vượt thời gian như “bụi bay vào mắt”. Cô gái ấy đã từ bỏ sự nghiệp để trở về làm hậu phương vững chắc cho chồng và kết thúc với Quang Huy sau ồn ào ly hôn vì người thứ 3. Hậu ly hôn, Quỳnh Anh ngày càng trở nên xinh đẹp, cô trở lại sự nghiệp ca hát với 2 bài hát đang được ưa thích là “Gửi em của quá khứ”, “Tất cả sẽ thay em”. Từng câu từng chữ đều thể hiện một phần nào bản lĩnh của cô gái mềm yếu ngày nào đã lột xác thành người phụ nữ quyết đoán và lạc quan. Sự nghiệp thăng hoa và tôi tin rằng, tình yêu đích thực sẽ đến với cô ấy trong một ngày gần nhất và bất cứ cô gái nào từng thần tượng Phạm Quỳnh Anh và có hoàn cảnh không may mắn trong hôn nhân cũng đều trưởng thành và mạnh mẽ hơn, tin vào một tương lai tươi sáng như Quỳnh Anh đã từng làm được. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua các bình luận của chị em phụ nữ dành cho cô sau mỗi MV trên youtube hay trên Facebook cá nhân.
Từ đó, có 1 căn bệnh zombie đang lây lan rất nhanh, tôi nói vui là zombie bởi vì nó là thực trạng “Lười yêu, lười kết hôn” của giới trẻ hiện nay bao gồm cả đàn ông và phụ nữ. Bởi vì giới trẻ hiện đại có xu hướng sống hưởng thụ nhiều hơn, ham kiếm tiền và tận hưởng thanh xuân lâu hơn. Họ có chung một nỗi sợ về hôn nhân, về áp lực kinh tế, về tự do trải nghiệm, về cách nuôi dạy con, về ở rể, làm dâu…Cuối cùng họ đặt ra câu hỏi “rốt cuộc kết hôn để làm gì?”
Bạn có thể thay tôi trả lời câu hỏi trên được chứ?