Nội dung bài viết:
Dấu hiệu trẻ bị hăm
Hăm tã là trạng thái da bị kích ứng, còn được gọi là viêm da do tã lót. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị hăm tã nhất do còn thường xuyên sử dụng tã lót, cứ 3 trẻ thì có một trẻ sơ sinh bị hăm mông.
Trẻ sơ sinh bị hăm ở mông thường có những triệu chứng cơ bản dễ nhận biết như:
- Khu vực vùng da mông và cả khu vực xung quanh nổi các mẩn đỏ nhỏ, đặc biệt mụn này ngày càng mọc nhiều và không lặn đi, sờ vào vùng da bị hăm sẽ có cảm giác nóng hơn vùng khác.
- Trẻ hay quấy khóc, nhất là khi mẹ thay tã bỉm hoặc vệ sinh trẻ sẽ quấy khóc to hơn. Đặc biệt khi bị hăm nặng, vùng da mông sẽ có mụn mủ hoặc các vết loét…
- Nếu trẻ sốt kèm các biểu hiện trên mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm da của con.
Theo các chuyên gia y tế, có đến 80% trường hợp hăm tã có nguyên nhân từ bỉm, chủ yếu là do da bị kích thích khi tiếp xúc với bề mặt tã hoặc tã quá chật, quá bí làm cho da bị ẩm, không thoát được mồ hôi.
Ngoài ra, có thể do khâu vệ sinh vùng kín của trẻ sai cách, trẻ có làn da nhạy cảm hơn hoặc đang sử dụng thuốc kháng sinh cũng là đối tượng dễ bị hăm mông.
Nếu không được xử trí đúng cách sẽ khiến chứng hăm tã kéo dài hoặc bé bị hăm mãi không khỏi gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt của trẻ. Không ít trường hợp trẻ lười ăn, mất ngủ hoặc quấy khóc nhiều hơn sau khi bị hăm tã.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị hăm tã
Vì vậy, khi phát hiện con có những dấu hiệu của hăm tã, mẹ hãy thực hiện những bước sau để chăm sóc trẻ sơ sinh bị hăm mông ngay tại nhà. Với sự chăm sóc kiên trì và tỉ mỉ, hăm tã ở bé sẽ khỏi nhanh chóng.
- Thường xuyên kiểm tra và thay tã cho con nếu như tã bẩn. Nên thay tã sau 3 – 4 giờ hoặc thay ngay khi con vừa đi đại tiện. Đối với trẻ sơ sinh, bé sẽ thường xuyên cần được kiểm tra tã và thay tã so với các bé khác
- Vệ sinh vùng kín và mông đúng cách. Mẹ dùng khăn xô mềm nhúng với nước ấm rồi lau nhẹ nhàng mông, bộ phận sinh dục của bé. Sau đó, mẹ hãy dùng khăn khô lau sạch hoặc để da bé tiếp xúc với không khí trong thời gian ngắn để da bé khô thoáng rồi mới mặc tã.
- Sử dụng tã phù hợp với cân nặng của bé. Khi mua tã, mẹ cần chú ý đến kích thước của trẻ để tã không quá chật với con, gây bí bách, khó chịu cho da mông của bé. Nếu bé thường xuyên bị hăm với loại tã đang sử dụng mẹ nên thay đổi qua loại tã khác để tìm loại tã phù hợp với da của bé.
- Ngưng mặc tã một thời gian. Mẹ có thể giúp bé dễ chịu và phòng ngừa nguy cơ bị hăm bằng cách “thả rông” cho bé vài ngày. Để tránh bé tè dầm, mẹ có thể sử dụng miếng lót vừa vặn để bé nằm vui chơi mà không mang tã.
- Bôi thuốc chống hăm tã. Sử dụng kem hăm tã sẽ tạo nên một lớp màng ngăn bảo vệ da bé khỏi bị tác nhân bên ngoài gây hăm tã. Trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm và cực kỳ mong manh nên khi lựa chọn kem chống hăm, mẹ nên lựa chọn kem có thành phần thảo dược lành tính, không chứa corticoid, các chất dễ gây dị ứng hoặc chất bảo quản gây hại cho da trẻ.
Các loại kem và thuốc mỡ dùng tại chỗ được sử dụng phổ biến để điều trị hăm tã, bao gồm: Hydrocortisone để làm giảm viêm; Kem trị nấm hoặc kháng sinh tại chỗ để diệt khuẩn (các bác sỹ có thể kê kháng sinh dạng uống); Kẽm oxít; Dexpanthenol (tiền chất vitamin B5); Lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu).
- Để trẻ mặc đồ thoáng mát, bằng chất liệu cotton, không gây kích ứng da.
- Không sử dụng các loại khăn giấy ướt có cồn và các loại xà phòng hoá học sẽ làm kích ứng da trẻ, từ đó khiến da trẻ mẩn đỏ và tình trạng hăm nặng hơn.
- Không sử dụng phấn rôm để điều trị hăm mông vì sẽ làm bệnh càng nghiêm trọng hơn, ngoài ra trẻ có thể hít phải phấn gây khó thở hoặc hen suyễn.
Kinh nghiệm trị hăm cho bé bằng mẹo dân gian
Cách trị hăm cho trẻ sơ sinh là giữ cho vùng da bị tổn thương được khô ráo và tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Mẹo dân gian chống hăm cho bé cũng dựa trên nguyên tắc này.
Chữa hăm bằng lá trà/túi trà
Sử dụng túi lọc trà xanh, mẹ có thể đặt một túi trà khô vào trong tã hoặc bỉm của trẻ để tinh chất tanin trong trà giúp cho da bé khô thoáng và phục hồi dần những vùng da bị tổn thương.
Với lá trà xanh tươi, có thể dùng nước hãm đặc phun trực tiếp vào vùng hăm của bé. Hoặc dùng nước trà xanh để tắm cho bé, sau đó tắm lại bằng nước ấm sạch.
Tắm với khổ qua
Thái nhỏ khổ qua (mướp đắng) và rau kinh giới. Sau đó xay nhuyễn, lọc bỏ bã rồi đem pha với nước có nhiệt độ thích hợp để tắm cho bé. Định lượng 1 lần tắm: 2 quả mướp đắng và 1-2 mớ rau kinh giới.
Lá khế, lá trầu không trị hăm tã
Dùng nắm lá khế (hoặc lá trầu không) rửa sạch, để khô rồi giã nát với một chút muối, cho thêm nước sôi để nguội và chắt lấy nước. Sau đó, mẹ lấy mảnh vải sạch, mềm, giặt trong chậu nước lá khế (lá trầu không) để nguội, vắt khô và thấm vào vùng hăm của bé.
Dầu dừa dưỡng ẩm
Nói về độ lành tính và an toàn với trẻ sơ sinh, dầu dừa đứng hàng dầu. Trị hăm tã cho bé bằng dầu dừa cũng rất hiệu quả. Chỉ cần sử dụng một chút dầu thoa lên vùng mông bị hăm, sau 30 phút lau sạch sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan. Lưu ý kỹ là phải lau sạch để tránh tác dụng ngược.
Ngoài dầu dừa, mẹ cũng có thể sử dụng dầu oliu để bảo vệ làn da của trẻ khỏi hiện tượng sưng đỏ.
Chữa hăm tã bằng búp ổi, lá ổi
Dùng 1 nắm nhỏ lá ổi hoặc búp, rửa sạch sau đó đun sôi để nguội. Dùng khăn hoặc bông gòn rửa chỗ hăm cho bé. Thực hiện đều đặn ngày 3 lần/ngày trong một tuần sẽ thấy vết hăm giảm dần.
Đa số các trường hợp trẻ bị hăm tã sẽ tự khỏi sau 2 – 3 ngày nếu như chăm sóc đúng cách. Dấu hiệu bé bị hăm tã nặng như có tình trạng loét, chảy máu, mưng mủ ngoài da hay lan đến bụng của bé, hãy đưa bé đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Bỏ túi những bí kíp trị hăm tã cho trẻ sơ sinh sẽ không bao giờ là thừa. Nếu chẳng may trẻ sơ sinh bị hăm mông, hãy áp dụng ngay những cách chăm sóc trên để không còn lo lắng.