Nội dung bài viết:
Triệu chứng sốt gặp rất thường xuyên ở trẻ song vẫn khiến cha mẹ lúng túng. Việc hạ sốt an toàn cho trẻ vẫn có thể thực hiện tại nhà với cách chăm sóc trẻ em bị sốt dưới đây.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt
Xử lý trẻ bị sốt tại nhà quả thực không phải là một câu chuyện đơn giản. Nếu các bậc cha mẹ áp dụng sai cách xử lý có thể gây ra những hậu quả khó lường với sức khỏe của con mình.
Nhiệt độ cơ thể bao nhiêu thì trẻ bị sốt?
37 độ được coi là nhiệt độ trung bình của cơ thể trẻ. Nhiệt độ cơ thể trẻ có thể thay đổi do môi trường sống xung quanh và từng thời điểm trong ngày nhưng vẫn ở con số an toàn là 36,5 đến 37,5 độ.
Khi nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn 37,5 độ thì trẻ được coi là bị sốt. Trên mức 38,5 độ C thì trẻ đang sốt cao.
Dấu hiệu xác định trẻ bị sốt
Ngoài việc đo nhiệt độ cơ thể để xác định trẻ bị sốt thì một số biểu hiện sau của trẻ cũng có thể giúp cha mẹ nhanh chóng đoán được con có bị sốt hay không:
- Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi rõ rệt, không đùa nghịch mà ngủ li bì.
- Trẻ bỏ ăn, nôn trớ.
- Trẻ khóc nhiều, dễ quấy, cáu gắt.
- Hơi thở trẻ gấp, vội, có khí nóng.
Xác định nguyên nhân trẻ bị sốt
Cách chăm sóc trẻ em bị sốt đúng cách, an toàn nhất phải phụ thuộc vào việc xác định nguyên nhân gây sốt ở trẻ. Thông thường, trẻ bị sốt thường do rất nhiều nguyên nhân và thường bé bị sốt đi sốt lại.
- Trẻ bị sốt do nhiễm siêu vi: Sốt do nhiễm siêu vi là nguyên nhân gây sốt thường gặp ở trẻ. Sốt siêu vi có thể gọi tên một số loại nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt vi rút, thủy đậu, sốt phát ban, tay chân miệng.
- Trẻ bị sốt do nhiễm trùng: Do trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa. Bên cạnh đó nếu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa như tả, kiết lị cũng có thể khiến trẻ bị sốt. Sốt nhiễm trùng còn có những chứng bệnh nguy hiểm như viêm màng não mô cầu hay nhiễm trùng máu nên bố mẹ cần cảnh giác cao.
- Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng: Do phản ứng với thuốc và tùy cơ địa từng trẻ nên sau khi tiêm phòng về, một số trẻ sẽ bị sốt. Tuy nhiên triệu chứng sốt này sẽ không đáng lo ngại nếu như không kéo dài và có những dấu hiệu nguy hiểm như sốt quá cao, liên tục, trẻ nôn, đi ngoài nhiều...
- Trẻ bị sốt do mọc răng: Nhiều trẻ mọc răng cũng có thể bị sốt. Cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu qua lợi trẻ bị sưng đỏ, trẻ hay cắn đồ vật, chảy dãi nhiều.
- Trẻ bị sốt do mặc nhiều quần áo: Cơ thể trẻ chưa thể tự điều hòa được thân nhiệt nên việc mặc quá nhiều quần áo cũng có thể khiến thân nhiệt trẻ bị tăng cao.
Cách hạ sốt nhanh cho trẻ
Cách chăm sóc trẻ em bị sốt cha mẹ không cần quá lúng túng, trước tiên hãy áp dụng một số cách hạ sốt nhanh an toàn cho trẻ.
Uống nhiều nước
Khi sốt, cơ thể trẻ dễ mất nước. Lúc này việc cần thiết nhất của bố mẹ là giúp cơ thể con bù nước bằng cách cho trẻ uống nước điện giải hoặc nước lọc. Với những trẻ còn đang uống sữa mẹ có thể cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức.
Giảm thân nhiệt cho trẻ
Hãy mặc cho trẻ những bộ quần áo thoáng mát, dễ thoát mồ hôi và thoát khí. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể dùng nước ấm lau người cho trẻ. Bạn chỉ cần chuẩn bị 5 chiếc khăn mềm, nhúng khăn vào nước ấm. 2 chiếc kẹp vào 2 bên bẹn, 2 chiếc kẹp vào 2 bên nách, chiếc còn lại bạn dùng lau khắp người trẻ.
Cứ sau 1 đến 2 phút bạn sẽ thay khăn. Nước ấm sẽ bốc hơi nhanh, giúp mạch máu trên cơ thể trẻ giãn nở làm giảm thân nhiệt. Tuy nhiên cha mẹ cũng lưu ý chỉ lau cơ thể trẻ khoảng 5 đến 10 phút rồi mặc lại quần áo thoáng mát cho trẻ. Nhiệt độ phòng cũng không thể quá lạnh để tránh trường trẻ bị nhiễm lạnh thêm.
Tăng cường rau củ, chất dinh dưỡng
Trẻ bị sốt nên ăn gì là câu hỏi mà rất nhiều cha mẹ băn khoăn. Khi bị sốt, cơ thể trẻ càng cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Các loại vitamin từ rau xanh, trái cây, thức ăn giàu đạm, khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng giúp trẻ mau khỏi bệnh. Các mẹ lưu ý nên nấu thức ăn thành dạng lỏng như cháo, súp để trẻ dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn.
Uống thuốc hạ sốt
Trẻ sốt cao quá có thể dẫn đến tình trạng co giật rất nguy hiểm. Lúc này bạn có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên thuốc phải được kê theo đơn và tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng.
Nếu đã áp dụng các biện pháp hạ sốt trên mà trẻ vẫn sốt cao, co giật kèm theo nhiều triệu chứng như quấy khóc, nôn, bỏ ăn... thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ theo dõi.
Nhất là với những trẻ còn đang trong giai đoạn bú mẹ, sức đề kháng còn kém thì cha mẹ không nên tự ý áp dụng các cách hạ sốt tại nhà với những triệu chứng sốt nghi do nhiễm vi khuẩn, vi rút.
Cách chăm sóc trẻ sốt tại nhà
Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà phụ huynh cũng không cần quá lo lắng mình sẽ làm sai cách ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Bạn chỉ cần tìm hiểu được nguyên nhân khiến trẻ bị sốt thì hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách chăm sóc trẻ em bị sốt siêu vi
Sốt siêu vi có thể kể đến một số loại nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt vi rút khá phổ biến. Với từng loại bệnh, cha mẹ cũng cần phải lưu ý cách chăm sóc trẻ sẽ có thể khác nhau.
Cách chăm sóc trẻ em bị sốt phát ban
- Dấu hiệu: Trẻ bị sốt phát ban khá giống với trẻ bị sốt vi rút. Trẻ sẽ thường quấy khóc rất nhiều kèm theo ho, chảy nước mũi, mắt đỏ. Một vài ngày sau khi sốt, cơ thể trẻ bắt đầu nổi ban. Ban thường là các bọc nước màu đỏ, số lượng từ vài chục đến hàng trăm.
- Sau khi nổi ban, trẻ sẽ xuất hiện thêm một vài triệu chứng khác như tiêu chảy, phân lỏng. Vết ban thường để lại sẹo thâm cho trẻ ngoại trừ sốt do sởi và nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể sẽ lở loét, gây nhiễm trùng.
Nguy hiểm hơn, nếu không được chăm sóc đúng cách, sốt phát ban có thể gây viêm tai giữa, viêm phổi, đi ngoài ra máu và thậm chí là viêm não mô cầu.
- Cách chăm sóc trẻ bi sốt vi rút và sốt phát ban: Sau khi đã áp dụng các biện pháp hạ sốt cho trẻ tại nhà ở trên, nếu trẻ vẫn không cải thiện được tình trạng mà vẫn sốt cao (một số trẻ sốt cao hơn 3 ngày, có hệ miễn dịch yếu, dưới 6 tháng tuổi), cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Cách chăm sóc trẻ em bị sốt xuất huyết
- Dấu hiệu: Trẻ bị sốt xuất huyết thường bỏ ăn, nôn, đau nhức người, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
- Cách chăm sóc trẻ: Đối với trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không được tự ý dùng thuốc. Sau khi trẻ đã trải qua giai đoạn nguy hiểm, có thể áp dụng cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà như đã hướng dẫn ở trên.
Cha mẹ hãy lưu ý cách chăm sóc trẻ em bị sốt để giúp con nhanh khỏi bệnh, tránh bệnh diễn biến nguy hiểm. Cha mẹ cũng cần lưu ý giúp con tăng cường sức đề kháng để phòng tránh lại bệnh tật tốt nhất.