Loãng xương là gì?
Loãng xương (giòn xương, xốp xương) là tình trạng suy giảm mật độ xương, tổn thương cả cấu trúc hữu cơ và vô cơ. Đồng thời, các khoáng chất như canxi, phospho cũng bị rửa trôi khiến xương trở nên nhẹ hơn.
Theo thời gian, các bè xương bị đứt gãy tạo thành các hốc khiến xương trở nên giòn, xốp. Người bị loãng xương mức độ nặng rất dễ bị gãy xương dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra chủ yếu ở phần hông, cột sống và cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được. Đây là căn bệnh diễn ra thầm lặng nhưng để lại những hậu quả nặng nề, khiến chất lượng cuộc sống bị sụt giảm nghiêm trọng.
Theo PGS. BS Wynn Huỳnh Trần, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD: "Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, xảy ra theo tiến trình lão hóa của cơ thể. Càng lớn tuổi, xương càng bị loãng trầm trọng.
Hàng ngày xương chúng ta liên tục được tạo ra và mất đi. Khi chúng ta lớn tuổi, số lượng xương mất đi nhiều hơn số lượng sinh ra nên dẫn đến loãng xương".
Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương
Độ tuổi
Từ nhỏ đến tuổi thanh niên, lượng xương trong cơ thể liên tục tăng dần. Đến năm 25-30 tuổi, cấu trúc xương đạt mức độ đỉnh cao. Giai đoạn này rất hiếm xảy ra trường hợp loãng xương.
Từ sau 30 tuổi, xương bắt đầu thoái hóa. Mỗi năm, mật độ xương giảm 0,25-1%, đặc biệt tình trạng này thường xuyên xảy ra ở nữ giới. Càng lớn tuổi, theo tiến trình lão hóa tự nhiên, xương sẽ bị loãng nặng nề hơn, dẫn đến hiện tượng gù, đau lưng, nhức mỏi vai.
Sự sụt giảm hormone estrogen ở phụ nữ mãn kinh
Từ sau 30 tuổi, ai cũng có thể mắc bệnh loãng xương. Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương là phụ nữ mãn kinh.
Trong vòng 15 năm đầu sau khi mãn kinh, lượng hormone estrogen giảm mạnh khiến tốc độ thoái hóa và loãng xương tăng cao. Theo nghiên cứu, mỗi năm mật độ xương giảm 1-5%, trong đó, vào 3 năm đầu sau mãn kinh, tốc độ loãng xương ở mức cao nhất. Khi bước sang tuổi 60 - 70, xương phụ nữ bị xốp và dễ gãy.
"Hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc cản trở sự mất xương. Ở phụ nữ mãn kinh, cơ thể không sản sinh ra hormone này nên rủi ro về loãng xương sẽ càng cao. Bệnh loãng xương là không có triệu chứng cho đến khi nào xương loãng đến mức bị vỡ", PGS. BS Wynn Huỳnh Trần chia sẻ.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống giàu canxi và phosphate đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của xương khớp. Nếu không nhận đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết, các mô xương sẽ bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến loãng xương.
Ngăn ngừa loãng xương
Loãng xương là căn bệnh tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu đặc biệt cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Khi bị loãng xương ở mức độ nặng, người bệnh dễ bị gãy xương, biến dạng cột sống, tàn phế, tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.
Nhiều người cho rằng loãng xương phát triển theo sự lão hóa của cơ thể, là tiến trình tự nhiên nên không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Trong bữa ăn hàng ngày, nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cùng các khoáng chất canxi, phosphate để hệ xương phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, chế độ ăn cũng phải đảm bảo đủ vitamin D để tổng hợp, hấp thụ canxi tốt hơn.
Luyện tập thể dục điều độ
Bên cạnh việc xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng cần thiết cho xương, bạn nên luyện tập thể dục điều độ mỗi ngày. Những động tác nhẹ nhàng sẽ kích thích xương phát triển và chắc khỏe hơn.
Phụ nữ lớn tuổi không nên luyện tập quá sức hay chơi các môn thể thao đối kháng để tránh những va chạm mạnh, tác động xấu đến xương.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là việc mà chúng ta nên làm để sớm phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, phụ nữ ở giai đoạn sau mãn kinh càng phải thực hiện khám sức khỏe điều độ để tầm soát các bệnh: Loãng xương, tim mạch, tăng huyết áp,...
"Tất cả các hội Y khoa Hoa Kỳ và trên thế giới khuyến cáo phụ nữ mãn kinh nên đi tầm soát loãng xương thường xuyên để có những giải pháp phù hợp. Nếu để càng lâu, lượng xương bị mất càng nhiều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đồng thời, kết hợp với chế độ luyện tập, dinh dưỡng hợp lý sẽ làm chậm quá trình loãng xương, duy trì sức khỏe tốt. Chúng tôi khuyên bạn nên chăm sóc sức khỏe của xương khớp ngay từ bây giờ", PGS. BS Wynn Huỳnh Trần khuyên.