Bà Nguyễn Hoài Thu (SN 1968, quê Hải Phòng) là một doanh nhân giàu có, hàng ngày bà sinh hoạt, ăn uống, tập luyện thể thao rất điều độ. Tuy nhiên, sau khi thấy đau bụng thành từng cơn, thời gian đau kéo dài liên tục trong hơn 1 tháng, bà Thu đã đi khám tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Kết quả thăm khám cho thấy, nữ doanh nhân này bị tổn thương gan nặng nề, nghi ngờ do ung thư gan và phải mổ cắt gan.
Khi nhận tin này, bà Thu vô cùng sốc nhưng không còn cách nào khác là phải nghe theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời bà còn chuẩn bị sẵn những tình huống rủi ro, căn dặn người thân về công việc sau này.
Tại bệnh viện, các giáo sư đã lên lịch và chỉ chờ trống bàn mổ là tiến hành phẫu thuật. Trong thời gian đó, bà Thu suy sụp và được nhiều bạn bè đến thăm hỏi, động viên. Trong số đó có một người bạn tư vấn bà nên đi kiểm tra lại để loại trừ nguyên nhâ bị ký sinh trùng. “Bạn tôi không tin tôi mắc ung thư gan, bởi trước đó tôi rất khỏe mạnh, đi đánh golf thường xuyên. Với người có sức khỏe như vậy mà bị ung thư gan di căn là bất thường”, bà Thu kể lại.
Bác sĩ Trần Huy Thọ thăm khám cho một trường hợp nhiễm ký sinh trùng tại bệnh viện.
Cuối cùng, bà Thu đã đến viện và gặp TS.BS Trần Huy Thọ - PGĐ Phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) để khám và làm các thủ tục xét nghiệm, chụp chiếu. Kết quả cho thấy tổn thương ở gan là do sán lá gan lớn tạo thành chứ không phải u gan hay ung thư gan. “Nghe xong kết quả, bệnh nhân ôm chầm lấy tôi và thốt lên “tôi sống rồi””, BS Thọ chia sẻ.
Sau khi có chẩn đoán, bà Thu được điều trị 3 tháng và kết quả kiểm tra cho thấy các tổn thương ban đầu nhầm là ung thư đó đã không còn nữa. Nữ bệnh nhân cho biết, bản thân là người sạch sẽ, vì thế bà cũng không biết bị lây bệnh từ đâu.
Theo bác sĩ Huy Thọ, sán lá gan lớn gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là do thói quen ăn uống không đảm bảo an toàn của người dân. Sán lá gan lớn vào cơ thể khi chúng ta ăn các loại rau thủy sinh sống hoặc nấu chín tái như rau cần, ngổ, muống nước, cải xoong thậm chí là ngó sen. Loại sán này thường ký sinh ở nhu mô gan, tạo thành ổ áp xe giống như khối u ở trong gan.
Các loại rau thủy sinh như cải xoong nếu ăn tái, sống nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Ảnh minh họa.
Bệnh nhân bị sán lá gan lớn giai đoạn cấp sẽ đau dữ dội vùng hạ sườn phải, thậm chí kèm theo sốt và ngứa, đau dữ dội từng cơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không có triệu chứng gì, thi thoảng tức nhẹ vùng hạ sườn phải, đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện tổn thương gan và hay bị nhầm sang bệnh ung thư. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị sán lá gan nhưng do nhầm là mắc ung thư nên đã bị cắt bỏ gan.
Bác sĩ Thọ tư vấn, trường hợp siêu âm có tổn thương gan, xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng thì nên nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng và nên đi khám đúng chuyên khoa để loại trừ. Để phòng ngừa bệnh sán lá gan, bác sĩ Thọ khuyến cáo thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn sống các loại cá, ốc chưa được nấu chín kỹ dưới mọi hình thức, không ăn sống các loại rau thủy sinh mọc dưới nước.