Những sai lầm dân văn phòng hay mắc khi mang cơm đi làm
Đã rất lâu rồi, chị Phùng Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) không ăn cơm ngoài. Bữa tối chị thường nấu dư cơm, thức ăn và canh chuẩn bị sẵn cho bữa trưa ngày hôm sau. Hoặc đồ ăn thừa từ tối trước chị tận dụng cất tủ lạnh dành cho bữa trưa ngày hôm sau.
Dẫu ăn đồ thừa từ bữa trước để qua đêm đến tận trưa sau mới ăn dù không ngon nhưng vì ngại trời nắng, ngại ra ngoài ăn… nên chị vẫn cố. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá đây là một thói quen không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, về lâu dài có thể dẫn đến một số bệnh về đường ruột, tiêu hóa.
Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, chuẩn bị cơm trưa thì nấu vào buổi sáng là đảm bảo nhất. Theo đó, chị em nên hạn chế chế biến sẵn từ đêm hôm trước rồi sáng hôm sau hâm lại, vì có một số món để qua đêm sẽ lên men, chứa các vi khuẩn gây hại cho cơ thể.
Song thông thường vào buổi sáng, các chị em đều bận rộn do đó nên chế biến những món ăn đơn giản cho bữa trưa trong đó có một số món có thể nấu từ tối hôm trước.
Theo đó, cơm có thể nấu từ tối hôm trước, sáng hôm sau nên cắm lại cho nóng trước khi mang đi, các món mặn, kho, rán có thể làm từ tối hôm trước. Còn các món luộc, xào nên làm sáng sớm thì tốt hơn vì để qua đêm thường không an toàn.
Chung quan điểm này, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhấn mạnh, sử dụng cơm nguội, cơm nấu lại không ảnh hưởng gì tới sức khỏe khi những thực phẩm này đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm (không bị ôi thiu, nấm mốc, bảo quản ở nhiệt và thời gian an toàn). Nếu ăn cơm nguội để quá lâu hoặc bảo quản không đúng, người ăn có thể gặp một số nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
Vì vậy ăn cơm nguội cho đúng cách cần: Nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và đậy nắp kín khi bảo quản, khi ăn đem ra hấp lại. Không để cơm ngoài không khí với nhiệt độ thường vì dễ ôi thiu. Không để cơm lâu quá 8 tiếng, nên giải quyết món cơm nguội ngay trong vòng 8 tiếng kể từ khi nấu. Không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu. Không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng. Không ăn cơm nguội khi đã có mùi ôi, chua vì nếu ăn có thể bạn sẽ bị ngộ độc thức ăn.
Đối với các món mặn, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng nếu nấu buổi sáng, chị em nên chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cần thiết. Thịt, cá bạn nên rã đông từ tối bằng cách chuyển chúng từ ngăn đông lạnh xuống ngăn mát của tủ lạnh để buổi sáng không mất thời gian rã đông.
Ngoài ra để tránh mất nhiều thời gian thì buổi sáng các bạn nên chế biến những món mặn đơn giản như: các món thịt, sườn rang mặn, thịt rang, thịt luộc, bò xào củ hành, tôm rang thịt ba chỉ, ba rọi kho khô…
Đối với các món rau củ quả hấp luộc, xào hoặc làm chua, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo “cần nấu sáng sớm, không nên nấu để qua đêm vì thay đổi mầu và giảm nhiều vitamin”. Để tiết kiệm thời gian cho buổi sáng, bạn nên nhặt rau hoặc sơ chế củ/quả trước vào buổi tối hôm trước và bảo quản bằng hộp kín trong tủ lạnh. Bạn có thể chế biến các món rau luộc, rau xào như:
Các món rau, củ, đậu hấp/luộc: rau lang, rau muống, cải bắp, su hào, củ cải, cà rốt, đậu cô-ve, đậu đũa, bí, bầu, bí rợ…Các món rau, củ xào: rau muống xào tỏi, đọt su su xào tỏi, mồng tơi hấp, đọt bí xào tỏi, đậu cô-ve xào… Có thể xào chung với thịt xay, tôm, mực… thành các món mặn. Hoặc các bạn có thể dùng các món cải chua, dưa chua, kim chi, dưa muối…
Tương tự như các món rau, các món canh sườn khoai có thể nấu từ tối trước, hôm sau mang đi. Tuy nhiên, nấu vào buổi sáng vẫn đảm bảo an toàn hơn. Theo đó, bạn có thể chế biến các món canh đơn giản như: canh rau, canh cải, canh chua bạc hà, canh bí, khổ qua, canh bí đỏ sữa đậu nành, canh cải… Có thể kết hợp thêm các món cá, thịt, hải sản để có thể vừa làm món canh, vừa làm món mặn để chuẩn bị cho bữa trưa.
Nếu bạn muốn dùng canh với nước xương hầm, để tiết kiệm thời gian buổi sáng thì bạn có thể hầm xương để lấy nước dùng vào buổi tối hôm trước. Sau đó bạn bảo quản kín trong tủ lạnh để sáng nấu canh sẽ rất ngon.
“Trong trường hợp quá vội không đủ thời gian để nấu canh, rau, bạn có thể mang dưa chuột ăn thay rau. Đồng thời nên mang theo quả chín như cam, quýt, táo, xoài, chuối để ăn tráng miệng”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm bày tỏ.