Khi nói đến khả năng sinh sản, phần lớn mọi người thường tập trung vào phụ nữ. Tuy nhiên, nam giới là một phần quan trọng của quá trình sinh sản, trong đó, số lượng và chất lượng tinh trùng có thể ảnh hưởng đáng kể cơ hội thụ thai.
Hệ thống sinh sản bị rối loạn có thể dẫn đến suy thoái khả năng sinh sản của nam giới. Một số triệu chứng cảnh báo vô sinh bao gồm ham muốn tình dục thấp, đau hoặc khó chịu ở bộ phận sinh dục, không có khả năng thụ thai,…
Trong khi vô sinh có thể là hậu quả của các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn khác nhau, một số yếu tố về lối sống và chế độ ăn uống ở nam giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến điều này.
Lối sống ít vận động
Theo Hindustan Times, để cơ thể luôn khỏe mạnh, mọi người đều phải tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục 30 phút trong 5 ngày mỗi tuần sẽ giúp bạn cải thiện sức chịu đựng, khả năng miễn dịch, sức khỏe sinh sản nói chung.
Thiếu hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể con người sinh ra một số biến chứng về sức khỏe như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim và cholesterol cao. Những điều kiện này được phát hiện có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng sinh sản của nam giới.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Nếu muốn duy trì sức khỏe sinh sản tốt, bạn nên từ bỏ thói quen ăn đồ ăn nhanh quá thường xuyên. Theo nhiều nghiên cứu, nam giới ăn thịt chế biến sẵn có số lượng tế bào tinh trùng có hình dạng "bình thường" thấp hơn nhiều so với những người ăn ít hơn hoặc không ăn.
Ngoài ra, việc ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất tăng cường sinh lý nam giới như vitamin, kẽm,... khiến tinh trùng suy yếu, hoạt động kém chất lượng. Điều này khiến khả năng thụ thai giảm dần, từ đó dẫn đến vô sinh.
Béo phì
Thừa cân hoặc béo phì có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới. Các vấn đề về trọng lượng ảnh hưởng không chỉ đến số lượng tinh trùng mà còn cả cấu trúc vật lý, phân tử của tế bào mầm trong tinh hoàn và tinh trùng trưởng thành.
Theo tiến sĩ Gunjan Gupta, chuyên gia sinh sản từ Gunjan IVF World (Ấn Độ), đàn ông béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI>30) có chất lượng tinh dịch thấp hơn so với nam giới có chỉ số BMI bình thường (18,5-24,9). Những người đàn ông thừa cân làm tăng lượng DNA bị tổn thương trong tinh trùng của họ, tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Quan hệ tình dục không an toàn
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh có thể tránh được. Quan hệ tình dục không an toàn là một trong những lý gây các bệnh STDs như chlamydia và bệnh lậu, giang mai, HIV, mụn rộp sinh dục,… Những căn bệnh này ảnh hưởng chất lượng và sự di chuyển của tinh trùng, cũng như gây viêm mào tinh hoàn, có nhiệm vụ lưu trữ và vận chuyển tinh trùng.
Tâm lý căng thẳng
Theo Times Now News, căng thẳng quá mức không bao giờ tốt cho cơ thể và sức khỏe. Đặc biệt, việc quản lý căng thẳng không đúng cách có thể gây ra những tác động xấu đến hệ thống sinh sản của nam giới.
Stress là tác nhân kích thích cơ thể sinh ra steroid, loại hormone làm giảm testosterone, ảnh hưởng tiêu cực quá trình sinh tinh, giảm khả năng cương dương. Nam giới bị rơi vào tình trạng stress kéo dài sẽ mất tự tin vào khả năng chăn gối, điều này càng khiến tình trạng căng thẳng trầm trọng hơn.
Hút thuốc lá
Thuốc lá có thể đưa vào cơ thể những chất độc hại làm suy giảm khả năng sinh sản của một người. Chúng ảnh hưởng số lượng tinh trùng hiện có, làm giảm sự di chuyển cũng như hình dạng của tinh trùng. Những yếu tố này trực tiếp cản trở khả năng và số lượng tinh trùng có thể thụ tinh với trứng.
Nghiên cứu được công bố trong một bài báo năm 2016 của BJU International cho thấy tinh trùng của những người hút thuốc bị tổn thương DNA không thể sửa chữa, hạn chế cơ hội thụ tinh bình thường và mang thai khỏe mạnh. Người hút thuốc cũng có chất lượng phôi xấu, giảm tỷ lệ thụ tinh, tăng nguy cơ dị tật di truyền trong phôi. Ngoài ra, hút thuốc làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương ở nam giới.
Uống rượu
Một ly rượu vang đỏ vào bữa tối mỗi ngày có thể gây hại cho khả năng sinh sản của nam giới. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học BMJ Open cho thấy chỉ uống 5 ly rượu mỗi tuần có thể làm giảm chất lượng tinh trùng. Nghiên cứu cũng cho thấy chất lượng tinh trùng xấu đi theo mức độ uống rượu.
Rượu bia có mối liên hệ trực tiếp với việc sản xuất một số hormone sinh dục bằng cách tác động đến các tuyến liên quan hệ thống sinh sản, bao gồm tinh hoàn, vùng dưới đồi và tuyến yên trước.
Chúng làm giảm nồng độ testosterone, hormone leuteinising (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) trong khi tăng estrogen. Tất cả yếu tố này làm giảm sản xuất tinh trùng và thậm chí có thể dẫn đến liệt dương.