Theo India Times, nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Journal of Infection tìm thấy yếu tố nguy cơ nhất định có thể cho biết ai có nhiều khả năng phát triển tình trạng Covid-19 kéo dài hơn.
Nghiên cứu khảo sát 465 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng (54% nam giới, 51% nhập viện) trên 18 tuổi. Nhóm người tham gia có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đại học Verona, Italy, trong khoảng thời gian từ ngày 29/2 đến ngày 2/5/2020.
Theo kết quả nghiên cứu, những bệnh nhân trên 50 tuổi cần nhập viện và có 4 triệu chứng trở lên có khả năng gặp phải các triệu chứng dai dẳng nhiều tháng sau khi hồi phục.
"Những bệnh nhân tuổi cao, phải điều trị ở ICU và có nhiều triệu chứng khi mắc bệnh có nhiều khả năng gặp phải di chứng kéo dài hơn sau khi khỏi bệnh. Chúng tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh", nghiên cứu cho thấy.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện 37% người tham gia có ít nhất 4 triệu chứng và 42% trong số đó cho biết triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày. Ngoài ra, 20% bệnh nhân vẫn tồn tại 2 triệu chứng phổ biến là mệt mỏi và suy giảm tinh thần vào tháng thứ 9 sau khi khỏi bệnh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những bệnh nhân phải nhập viện và có triệu chứng kéo dài ở ngày thứ 28 đến tháng thứ 9 có thể phát triển di chứng liên quan sức khỏe thể chất như mệt mỏi, kiệt sức. Trong khi đó, giới tính nữ và di chứng kéo dài ở ngày thứ 28 và tháng thứ 9 là yếu tố dự báo cho tình trạng tâm lý tiêu cực.
Trước đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Covid-19 có thể dẫn đến mệt mỏi kéo dài. Theo đánh giá được công bố trên tạp chí Open Forum Infectious Diseases, 46% bệnh nhân báo cáo tình trạng mệt mỏi hàng tuần và hàng tháng sau khi hồi phục.
Đánh giá tương tự nhấn mạnh trong phần lớn các nghiên cứu, tình trạng mệt mỏi dai dẳng được báo cáo ở 13-33% người bệnh sau khi khởi phát triệu chứng từ 16 đến 20 tuần.