Nhiều trường hợp tái dương tính với Sars-CoV-2 sau khi được công bố chữa khỏi Covid- 19 (ảnh minh hoạ)
Ghi nhận các ca tái dương tính với Sars-CoV-2
Tại buổi họp BCĐ Phòng chống dịch Covid- 19 của Thành phố Hà Nội, đại diện Sở Y tế cho biết từ ngày 19/8 đến nay (7 ngày) Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên có 1 trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh ra viện nhưng dương tính trở lại với Sars-CoV-2 (BN345); 1 trường hợp người Hà Nội xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính và vẫn có những trường hợp tiếp xúc liên quan với ca bệnh tại ổ dịch ở Hải Dương.
Sở Y tế nhận định, những trường hợp này có thể là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nếu không nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể ngày 24/8, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm thông tin bệnh nhân 348 tái dương tính với SARS-CoV-2 sau gần nửa tháng được công bố khỏi bệnh. Đây là bệnh nhân nam 39 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, sinh sống tại Rumani, từ Thụy Điển nhập cảnh về sân bay Nội Bài ngày 6/6 và được cách ly tập trung.
Bệnh nhân cùng vợ và 3 con được xét nghiệm lần 2 ngày 18/6, có kết quả dương tính cả 5 người. Sau đó, cả 5 người được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương 2 từ ngày 19/6 đến ngày 8/8 ra viện về cách ly tại nhà.
Ngày 13/8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được Trung tâm Y tế Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm sau ra viện, kết quả âm tính. Song đến ngày 23/8 (xét nghiệm lần 2) thì bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân đã được chuyển trở lại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương 2 trong đêm 23/8. Vợ và 3 con của bệnh nhân tiếp tục cách ly tại nhà.
Trước đó, vào ngày 23/8, nữ sinh viên quê ở Quảng Nam cũng được xác định tái dương tính Covid-19 sau 4 ngày xuất viện.
Ngày 1/8, nữ sinh này được lấy mẫu xét nghiệm và được công bố dương tính với Covid- 19. Sau hơn nửa tháng điều trị tại khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, đến ngày 18/8 bệnh nhân cùng với 5 bệnh nhân khác ở đây được công bố khỏi bệnh và xuất viện.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân được tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà, có sự giám sát của trung tâm y tế huyện Quế Sơn, không đi ra ngoài và tiếp xúc với mọi người xung quanh, hạn chế tiếp xúc với người thân.
Tuy nhiên đến ngày 22/ 8, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ, được các nhân viên y tế đưa vào khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính trở lại.
Không chỉ hai trường hợp này mà TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Bình…cũng thông báo ghi nhận các trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi Covid- 19.
Điều này khiến nhiều người quan tâm, lo ngại
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn.
“Đây là hai khái niệm khác nhau. Tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới.
Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác. Đây là thông tin cần tuyên truyền để người dân không hoang mang”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, GS. TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khẳng định các ca bệnh tái dương tính với SARS-CoV-2 không phải vấn đề mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Những trường hợp này thường không có dấu hiệu lâm sàng, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải là ca bệnh.
GS. TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh, khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như tại Nhật Bản, Trung Quốc... những ca tái dương tính trở lại không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người tiếp xúc với những ca này (F1) hoàn toàn âm tính.
Thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, GS Kính cũng chỉ ra những trường hợp xét nghiệm 2 lần cách nhau 24 giờ, sau đó giữ lại bệnh viện cách ly chuẩn bị cho ra viện thì bệnh nhân tái dương tính.
“Chúng tôi nuôi cấy phân lập những trường hợp này thì thấy virus không phát triển, xét nghiệm những trường hợp F1 thì không có ai bị nhiễm”, TS Kính nói.
Theo ông, bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR tức là lấy một đoạn mồi để phát hiện một đoạn gen của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus.
“Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy, đây có thể chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Qua theo dõi đến nay những ca tái dương tính đều không lây nhiễm cho cộng đồng”, GS Kính khẳng định.