Đau dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày và phần trên ruột non bị tổn thương. Dấu hiệu là ợ chua, chướng hơi, đầy bụng, đau thượng vị, kém ăn, buồn nôn, chảy máu tiêu hóa. Dưới đây là những thực phẩm cấm kỵ với người đau dạ dày:
Thực phẩm có tính axit
Trái cây chua giàu tính axit như cam, chanh, bưởi, quýt, xoài, khế, nước uống có ga... có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, khó tiêu, kích thích đường ruột, dẫn đến đau bụng, nôn ọe.
Đồ ăn cay
Chuyên gia dinh dưỡng Jung Kim, Bệnh viện Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, Mỹ, cho biết ăn cay có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nếu bạn bị đau dạ dày, hãy chọn thức ăn nhẹ, tránh gia vị cay như ớt, tỏi, hạt tiêu... để không kích thích hệ tiêu hóa và tăng tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Thực phẩm giàu chất béo
Sữa, kem, bơ, phô mai, thịt đỏ... giàu chất béo, dễ gây co thắt đường tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa và di chuyển thức ăn trong dạ dày gây táo bón. Chất béo cũng có thể làm tăng vận động của đường tiêu hóa, tiêu chảy. Chế phẩm từ sữa có chứa lactose, uống quá nhiều lactose khiến tiêu chảy trầm trọng hơn.
Món chiên
Cũng giống như thực phẩm giàu chất béo, thức ăn chiên có hàm lượng chất xơ thấp, không tốt cho sức khỏe đường ruột.
Rau củ quả quá nhiều chất xơ
Rau củ quả nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số loại chứa carbohydrate gây khó tiêu. Vì vậy với người đau dạ dày, chỉ nên ăn với khẩu phần nhỏ, không nên ăn quá nhiều.
Rượu, bia, cà phê
Rượu, bia có cồn, không tốt cho niêm mạc dạ dày mà còn gây hại cho gan.
Cà phê có tính axit cao, có thể gây kích ứng thành bụng, đau bụng. Caffeine trong cà phê cũng có thể khiến dạ dày sản xuất axit quá mức, làm viêm loét dạ dày.
Người đau dạ dày không nên ăn quá no khiến cho dạ dày và ruột tăng thêm gánh nặng, giảm hiệu quả của quá trình tiêu hóa. Tuổi thọ của các tế bào trên niêm mạc dạ dày khá ngắn, 2 -3 ngày tái tạo một lần. Nếu bữa ăn trước vẫn chưa tiêu hóa, bữa ăn sau lại dồn tiếp thức ăn vào, dạ dày rơi vào trạng thái căng phồng, niêm mạc khó có cơ hội hồi phục. Khi ấy dạ dày sẽ tiết ra nhiều dịch vị, phá hỏng niêm mạc. Cơn đau dạ dày càng trầm trọng, lâu ngày bị viêm loét.
Đồ ăn cho người đau dạ dày nên thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm để giảm áp lực hoạt động tiêu hóa cho dạ dày. Nhai chậm, nhai kỹ để tăng tiết dịch tụy, giảm dịch mật và axit hydrochloric. Sau ăn không nên lao động hay chạy nhảy ngay mà nên nghỉ ngơi.