Gãy xương có thể xảy ra nếu một người chịu tác động lực mạnh do té ngã, tai nạn giao thông... Trong đó, xương sườn, xương đòn, xương cẳng tay, xương cẳng chân... là những vị trí rất dễ gặp chấn thương dẫn đến gãy xương nhất. Khi gãy xương đi kèm với những tổn thương mạch máu và thần kinh, dập nát phần mềm sẽ có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng, đặc biệt là khi vết thương nhiễm trùng.
Theo ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, dù hiếm khi xảy ra nhưng những biến chứng này thường rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế và thậm chí là tử vong. Do đó, việc sơ cứu đúng cách là vô cùng quan trọng.
BS Khoa cho biết, khi sơ cứu người bị gãy xương, cần lưu ý các nguyên tắc sau: không di chuyển nạn nhân trừ trường hợp cần thiết, để tránh tổn thương thêm nặng; cố định xương gãy bằng nẹp đủ dài để bất động chắc khớp trên và dưới ổ gãy; dây cố định nẹp phải được buộc ở vị trí trên và dưới chỗ gãy, khớp trên và khớp dưới chỗ gãy; không cố gắng cởi quần áo nạn nhân, nếu cần để lộ vết thương thì cắt theo đường chỉ; không đặt trực tiếp nẹp vào da nạn nhân, các mấu lồi đầu xương, vùng tỳ đè phải có lót bông rồi mới đặt nẹp.
Tình trạng gãy xương sẽ có các biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng của chấn thương, tuổi tác và sức khỏe chung của nạn nhân. Vị trí gãy xương thường có một số triệu chứng đặc trưng như đau, sưng đỏ, bầm tím ở vùng xương bị tổn thương; tay chân cong, xoắn, biến dạng bất thường, không thể cử động ở vị trí gãy; cảm giác nóng ran ở xương hoặc khớp bị ảnh hưởng; chảy máu, xương gãy đâm nhô ra ngoài da nếu tạo thành vết thương hở; có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi chấn thương xảy ra. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu...
Theo bác sĩ Khoa, khi có những dấu hiệu trên, nếu nhân viên y tế chưa có mặt, người bị gãy xương và người hỗ trợ sơ cứu cần giữ bình tĩnh, thực hiện theo các bước dưới đây:
Cầm máu bằng cách dùng băng vô trùng, vải hoặc quần áo sạch băng ép vết thương nếu gãy xương hở gây chảy máu.
Bất động vùng bị thương: Nếu gãy xương ở các chi, hãy cố định vùng bị gãy xương bằng cách áp nẹp vào mặt trên và dưới ổ gãy, có thể độn nẹp để giảm khó chịu. Trong khi nẹp không nên cố nắn hoặc đẩy xương vào vị trí cũ. Nếu nghi ngờ gãy xương tại cổ và lưng, hãy để nạn nhân nằm yên.
Chườm đá giúp giảm sưng đau, mỗi lần chườm đá không quá 10 phút. Lưu ý, dùng khăn, vải,... bọc đá lại rồi mới chườm, không chườm đá trực tiếp lên da để tránh nguy cơ bỏng lạnh.
Điều trị sốc: Nếu người bị gãy xương xuất hiện các dấu hiệu như ngất xỉu, thở gấp, khó thở, lạnh người... cần đặt nạn nhân nằm xuống mặt phẳng ở tư thế thoải mái, nâng cao chân và giữ đầu hơi thấp hơn thân người; giữ ấm nếu nạn nhân bị hạ thân nhiệt.
Bác sĩ Khoa cho biết, không như những vết thương trên da hoặc nội tạng sẽ lành lại hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định, quá trình liền xương diễn ra nhanh chóng trong những tháng đầu, sau đó chậm dần và tiếp diễn suốt đời. Vì vậy, sau khi vết thương ngoài da (nếu có) đã khỏi và đã được tháo bột, người bị gãy xương vẫn cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc vội vàng trở lại với các hoạt động thường ngày có thể gây ảnh hưởng đến phần xương bị gãy và kéo dài thời gian hồi phục.