Những ngày gần đây, tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm A gia tăng bất thường. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Nhi TƯ, khoảng nửa tháng nay, do số lượng bệnh nhân gia tăng nên các giường bệnh luôn chật kín.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 15-25 bệnh nhi nhập viện do cúm A. Hầu hết các bệnh nhi đều nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh.
Ngoài lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, các bệnh nhân cúm A mức độ nhẹ đến khám được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú (chiếm khoảng 70%).
Tương tự, tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của BV tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Đặc biệt, mới đây BV ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội). Ngoài ra, 10 trẻ nhỏ là người thân của những công nhân trên cũng có những triệu chứng cúm A.
Còn theo thống kê của BV Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), đến sáng ngày 19/7, tại BV có khoảng 30 bệnh nhân cúm A đang điều trị. Ngòai ra, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của BV này có khoảng 15-20 bệnh nhân tới khám. Trong đó, khoảng 1 nửa trong số này (7 ca) có chỉ định nhập viện.
Theo các chuyên gia, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Bệnh gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi... của người bệnh.
Bệnh nhân bị cúm A thường có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ; nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, bệnh cúm A thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lí mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.
Để phòng bệnh cúm lây lan, người dân cần sử dụng điều hòa đúng cách. Cùng với đó mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Hiện nay, đã có vaccine cúm A, người dân cần tiêm để phòng bệnh. PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tiêm vaccine sẽ giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.
Theo đó, vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm. Các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác. Vì thế, hàng năm người dân phải tiêm vaccine cúm nhắc lại.
Hiện nay, vaccine cúm mùa gồm 4 loại: Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam) phòng được 3 chủng cúm, gồm 2 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2), 1 chủng cúm nhóm B (Yamagata hoặc Victoria).
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá Vaxigrip tetra phòng được 4 chủng cúm. Đây là vaccine do hãng dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp) nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2016, hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia. Vaccine có hiệu quả bảo vệ lên đến 80% phòng bốn chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
'Để phòng bệnh cúm, người dân nên tiêm phòng vaccine và tiêm nhắc lại hàng năm. Ngoài ra, người dân cần giữ vệ sinh môi trường, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh', PGS. Trần Đắc Phu nói.