Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy
Vào những ngày hè, cơ thể bé xuất hiện nhiều mụn đỏ dưới da khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Các mụn này chủ yếu xuất hiện ở vùng da đầu, cổ, ngực, vai, vùng sau lưng hoặc có khi khắp cơ thể. Đây chính là hiện tượng rôm sảy ở trẻ em.
Trẻ mắc chứng rôm sảy chủ yếu do thời thiết nóng bức vào mùa hè khiến các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Trong khi đó, các ống tuyến mồ hôi của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh dễ khiến mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Rôm sảy có thể làm bé khó chịu, ngủ không ngon giấc và có dấu hiệu bỏ ăn.
Phòng chống bệnh rôm sảy cho trẻ
Để phòng tránh bệnh rôm sảy cho bé, cha mẹ cần chú ý đến việc chăm sóc và vệ sinh cơ thể bé đều đặn.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề trong việc phòng chống bệnh rôm sảy ở trẻ em như sau:
- Tắm rửa, vệ sinh cho bé hàng ngày.
- Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát. Khi người trẻ tiết nhiều mồ hôi, mẹ cần sử dụng khăn mềm để lau, thấm thường xuyên.
- Nên chọn quần áo loại thoáng mát, sử dụng vải hút ẩm.
- Cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu độ tuổi.
- Mẹ tuyệt đối không bôi phấn rôm lên da trẻ vì sẽ làm bít đường thoát mồ hôi. Hậu quả là mồ hôi bị ứ đọng sẽ sinh ra nhiều rôm sảy hơn”.
Bênh cạnh đó, bác sĩ Khanh lưu ý các bậc cha mẹ không nên lạm dụng một số loại lá tắm cho trẻ khi bị rôm sảy theo phương pháp dân gian. Làn da nhạy cảm của trẻ sẽ dễ bị phá vỡ cấu trúc gây nhiễm khuẩn, viêm nhiễm hoặc mắc một số bệnh da liễu khác nếu mẹ tùy tiện sử dụng nước lá tắm cho bé.
Cách tốt nhất, mẹ nên sử dụng nước sôi để nguội với nhiệt độ thích hợp để tắm rửa, vệ sinh cơ thể bé hàng ngày. Cơ thể bé sẽ được làm sạch một cách khoa học, làn da thông thoáng sẽ hạn chế sự phát triển của rôm sảy.