Có thể tử vong vì sỏi mật
Theo TS Đỗ Tuấn Anh, trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), sỏi mật ngày càng gia tăng và gắn liền với nguyên nhân do rối loạn chuyển hoá lắng đong cholesterol và do nhiễm ký sinh trùng gây ra.
Những bệnh nhân ở nông thôn thường bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh lý sỏi ống mật. Còn ở thành phố, bác sĩ chủ yếu gặp sỏi túi mật. Sỏi túi mật liên quan chặt chẽ tới lối sống ăn uống thừa cholesterol gây lắng đọng cholesterol trong mật và gây nên sỏi mật.
TS Tuấn Anh cho biết số ca sỏi túi mật chiếm khoảng 70% các trường hợp bị sỏi đường mật. Trường hợp của ông N.H.T. (quê Thanh Hoá), ông T. bị sỏi mật, trước đó đã điều trị và gần đây ông lại thấy đau bụng nhiều kèm theo sốt nên đến bệnh viện Việt Đức kiểm tra. Kết quả, ông bị nhiễm trùng đường mật do sỏi mật gây nên.
Trường hợp chị B.T.H (43 tuổi, Sơn La) nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng nặng. Bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu và chị H. bị sỏi đường mật gây biến chứng nhiễm trùng cả ổ bụng. Nếu không mổ cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.
Chị N.T.M. (42 tuổi, quê Điện Biên) được chuyển từ bệnh viện Điên Biên xuống trong tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhân bị đau bụng trước đó, đã từng phẫu thuật sỏi ống mật nhưng gần đây đau bụng nhầm với bệnh lý tiêu hoá khác nên không đến bệnh viện kiểm tra.
Khi vào viện, bác sĩ đã phải mổ cấp cứu. TS Tuấn Anh cho biết biến chứng sỏi mật gây ra tình trạng tắc đường mật và nhiễm trùng do sỏi dẫn đến làm tăng áp lực trong đường mật, làm tổn thương hệ thống đường mật và dịch mật thấm vào ổ phúc mạc gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, trường hợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật.
Theo bác sĩ Đỗ Tuấn Anh hiện nay bệnh lý sỏi mật, sỏi trong gan vẫn không có dấu hiệu giảm. Nhất là bệnh lý sỏi túi mật liên quan tới chuyển hoá, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể mà từ đó sỏi túi mật được hình thành.
Những người có nguy cơ bị sỏi mật cao như: người béo (vì sỏi liên quan đến vấn đề thừa cholesterol trong máu), phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen, người có bệnh viêm đường ruột, viêm loét đại tràng.
Biến chứng sỏi mật
Để phát hiện sớm sỏi mật, bệnh nhân cần chú ý tới các triệu chứng của bệnh. Thông thường, người bệnh có thể có dấu hiệu đau ở vùng gan, nước tiểu màu vàng, đau cả vùng thượng vị (dễ nhầm lẫn với đau dạ dày), sốt nhẹ. Đây là dấu hiệu cảnh báo sỏi mật và lúc này sỏi mật đã gây biến chứng tạo ra các dấu hiệu nhận biết trên.
TS Tuấn Anh cho biết, sỏi mật có sỏi trong túi mật là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố ở đường mật, sỏi hỗn hợp. Đối với sỏi túi mật, việc điều trị sỏi túi mật là phẫu thuật cắt túi mật.
Gần đây có một số bệnh viện tán sỏi túi mật qua da. Đây là phương pháp mới, chưa có nhiều thông tin về tán sỏi qua da của sỏi túi mật. Hiện nay, tại bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chỉ phẫu thuật sỏi túi mật cho bệnh nhân bị sỏi túi mật.
Còn sỏi đường mật, bác sĩ bắt buộc phẫu thuật vì tán sỏi đường mật khó hơn do đường mật nhỏ, gấp khúc. Khi tán sỏi có thể không hết sỏi, gây kẹt thêm sỏi.
Điều trị thuốc “tan sỏi” như nhiều hãng thuốc quảng cáo có tác dụng rất hạn chế, chủ yếu tác dụng trong phòng ngừa tạo sỏi ở người nguy cơ cao (cắt dạ dày giảm béo...).
Sỏi mật gây ra nhiều biến chứng. Biến chứng viêm phúc mạc như trường hợp của chị M. ở trên cũng không phải là hiếm.
Ngoài ra, sỏi mật còn gây viêm tụy cấp, có thể viêm tụy cấp thể phù và thể hoại tử. Viêm tuỵ cấp được xem là cấp cứu đặc biệt vì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm nữa của sỏi mật là chảy máu đường mật, viêm mủ đường mật và áp xe gan mật, sốc nhiễm khuẩn đường mật. Đặc biệt biến chứng ung thư đường mật (nguyên nhân do viêm đường mật nhiều lần, kéo dài), triệu chứng lâm sàng hay gặp là gầy sút cân, vàng da có thể gặp nếu khối u gây chèn ép đường mật.
Phòng sỏi mật bằng cách duy trì lối sống lành mạnh với cân nặng hợp lý (BMI từ 18 - 23), chế độ ăn uống ít chất béo, ít cholesterol, vận động thể dục đều đặn, nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần đề phòng giun chui vào cuống mật.