Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), quá trình thụ thai bắt đầu khi nang noãn từ buồng trứng được loa vòi đón lấy vào ngày rụng trứng. Sau khi giao hợp, tinh trùng di chuyển qua cổ tử cung đến ống dẫn trứng, gặp noãn tại 1/3 ngoài ống dẫn trứng và xảy ra thụ tinh. Phôi sau đó di chuyển về buồng tử cung, làm tổ và phát triển thành bào thai. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố bệnh lý có thể cản trở quá trình này, gây khó khăn trong việc thụ thai.
Bệnh lý âm hộ, âm đạo và cổ tử cung
Các bất thường cấu trúc như màng trinh bít, vách ngăn âm đạo, hoặc bít lỗ cổ tử cung khiến phụ nữ khó có kinh nguyệt, giao hợp khó khăn, hoặc không thể thực hiện được. Những trường hợp này cần can thiệp phẫu thuật.
Bệnh lý buồng trứng
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Gây rối loạn hormon, kinh nguyệt không đều, rụng trứng thưa, hoặc không rụng trứng, dẫn đến giảm khả năng sinh sản.
- Áp xe 2 buồng trứng: Tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng do bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
- Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng: Khối lạc nội mạc tử cung làm thay đổi cấu trúc buồng trứng, gây khó thụ thai.
- Ung thư buồng trứng: Khối u ác tính ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và thường được phát hiện muộn.
- Suy buồng trứng sớm: Xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi, gây rối loạn kinh nguyệt, loãng xương, và nguy cơ vô sinh.
Bệnh lý ống dẫn trứng
Tắc nghẽn và viêm dính ống dẫn trứng: Do viêm nhiễm vùng chậu, viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung. Những vấn đề này gây cản trở đường di chuyển của trứng và tinh trùng, làm giảm khả năng thụ thai.
TS.BS Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh phụ nữ nên khám phụ khoa trước khi kết hôn để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Việc theo dõi sức khỏe sinh sản định kỳ cũng là cách giúp phụ nữ bảo vệ thiên chức làm mẹ và tránh những biến chứng nguy hiểm.