Để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do, cần thiết phải hấp thu chất chống ôxy hóa nhằm loại trừ gốc tự do. Một trong những thức ăn có chứa chất chống ôxy hóa mà mỗi người đều biết là rượu vang đỏ (có chứa polyphenol). Thế nhưng, polyphenol có rất nhiều chủng loại, sức tác dụng và hiệu lực của chúng cũng không giống nhau. Xét về mặt cơ thể, loại thực phẩm có khả năng hấp thu polyphenol nhiều nhất, hiệu quả tốt cũng như không tốn thời giờ chế biến chính là nho khô.
Polyphenol tập trung nhiều nhất ở phần vỏ quả nho, do vậy muốn hấp thu nhiều polyphenol cần phải ăn cả vỏ. Một số người khi ăn nho thường lột vỏ, chỉ ăn phần ruột - cách ăn này không thể hấp thu polyphenol một cách đầy đủ. Mặt khác, nho phơi (sấy) khô sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với nho tươi, ăn nuốt cả vỏ lẫn hạt rất dễ dàng, chỉ ăn bằng cách này mới đạt hiệu quả hấp thu được nhiều polyphenol.
Xét về mặt hiệu quả, nho tươi không thể so sánh với nho khô. Nho khô chứa anthocyanidin có sức chống ôxy hóa rất mạnh. Nho khô sau khi qua phơi sấy do các thành phần được “cô chiết” nên dù ăn rất ít cũng có thể hấp thu được anthocyanidin một cách đầy đủ. Ngoài ra, không giống như nho tươi dễ bị hư thối, nho khô có thể được bảo tồn lâu hơn. Nho cũng chứa nhiều đường nên vi sinh vật như nấm mốc rất khó sinh sôi, việc bảo tồn tương đối dễ dàng hơn. Trước đây, khi chế biến nho khô, người ta thích phơi sấy cả vỏ để tăng thời gian bảo tồn. Cách làm này xét về góc độ khoa học cũng rất hợp lý bởi vì phần vỏ quả chứa nhiều polyphenol, có tác dụng phòng ngừa nấm mốc sinh sôi. Có lẽ, mọi người đã hiểu những ưu điểm của nho khô. Thế nhưng, lại có một phương pháp có thể làm cho những điểm tốt nổi bật hơn, đó là cách dùng giấm ngâm với nho khô.
Nho khô sau khi phối hợp với giấm sẽ làm cho chất anthocyanidin của nho ổn định hơn, tính hiệu quả của anthocyanidin được phát huy một cách có lợi nhất.
Vài cách chế biến nho khô ngâm giấm:
Vật liệu: Nho khô 1 ly (dùng cho 10 ngày), giấm 1 bình nhỏ, 1 keo đựng có thể đậy kín.
Cách làm:
- Ly nho khô cho vào keo đựng.
- Đổ giấm vào keo, cho đến khi ngập qua mặt nho khô.
- Chỉ ngâm một đêm, giấm sẽ ngấm vào trong nho, làm nho phình lên, mỗi ngày dùng 1 muỗng lớn thì đủ.
Nếu bạn không thích vị chua nồng của giấm, hãy thử đổ vào keo đựng một muỗng lớn nước đun để nguội, sẽ làm bớt vị chua.
Công hiệu: Giàu chất chống ôxy hóa, xua bệnh sống lâu.
Ngoài ra còn có 2 cách phối hợp khác:
- Nho khô giấm kèm sữa chua: Khi dùng sữa chua, hãy thử thêm một ít nho khô ngâm giấm sẽ làm cho món sữa càng ngon và bổ dưỡng đối với sức khỏe.
- Nho khô giấm kèm xà lách: Món xà lách thêm vào một ít nho khô ngâm giấm, không chỉ tăng thêm vị bùi và dinh dưỡng mà còn làm cho món rau thêm
bắt mắt.