Theo các chuyên gia y tế, bệnh tình dục tưởng chừng như chỉ mắc ở người trưởng thành, nhưng thời gian gần đây số trẻ vị thanh niên mắc các căn bệnh như lậu, giang mai đang ngày càng gia tăng.
Ở Việt Nam, theo báo cáo từ các đơn vị Da liễu của các tỉnh, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, nguyên nhân cơ bản là đa số các phòng khám tư nhân hoặc các cơ sở y tế khác mặc dù có khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục song không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ.
TS.BS Phạm Thị Minh Phương – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp đón số lượng bệnh nhân nhi dưới 15 tuổi đến khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đa số những trẻ em này đến viện sau khi đã qua nhiều phòng khám tư, tuyến dưới điều trị nhưng không khỏi, có trẻ biến chứng nặng.
Cha mẹ chủ quan, trẻ không biết bệnh
Về nguyên nhân mắc các bệnh qua đường tình dục, theo TS. Phương, ở lứa tuổi rất nhỏ đó là trẻ sơ sinh hoặc dưới 1 tuổi thì có thể mắc trong quá trình mang thai hoặc sinh nở. Lớn hơn nữa có một số bệnh lây qua tiếp xúc với người trông trẻ, bố mẹ, bảo mẫu… bị bệnh. Ví dụ như người giúp việc hoặc bố mẹ trẻ mắc bệnh sùi mào gà thì có thể lây, vì qua quá trình tiếp xúc virus ở trên tay người lớn khi vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ dễ làm lây bệnh.
Tuy nhiên phần lớn trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi mắc các bệnh tình dục là do có hiện tượng quan hệ tình dục sớm ở tuổi học đường khi mà chưa biết cách phòng tránh và chưa có biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Điều đáng chú ý là trẻ vị thành niên mắc bệnh rất khó để phát hiện sớm vì trẻ không nhận biết được dấu hiệu bệnh ban đầu, thậm chí có những em mắc bệnh đó nhưng các em cũng không biết đó là bệnh lây truyền qua đường tình dục nên việc điều trị gặp khó khăn. Ngay cả với bố mẹ bệnh nhân, không ít người nói rằng họ không có hiểu biết về căn bệnh lây qua đường tình dục, và không bao giờ nghĩ con mình mắc bệnh này.
Hơn nữa khi các em đi đến phòng khám tư không đủ cơ sở, không đủ trình độ khám và điều trị khiến bệnh càng nặng thêm.
TS. Phương chia sẻ, cá nhân bác sĩ đã từng gặp một trường hợp bé gái khoảng 14 tuổi, bị mắc bệnh sùi mào gà nhưng được bố mẹ đưa đến bệnh viện tuyến huyện để đốt. Khi đến BV Da liễu Trung ương, cháu bé đã trong tình trạng loét, nhiễm trùng khắp nơi khiến quá trình khám gặp nhiều khó khăn, kể cả việc đặt dụng cụ (mỏ vịt) để khám rất khó khăn. Đó là ca điển hình của việc điều trị không đúng cách cho bé.
Do đó, chuyên gia da liễu khuyến cáo, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho mình kiến thức về bệnh lây qua đường tình dục để có thể chia sẻ cho con; nhà trường cũng nên đưa kiến thức này vào các chương trình giáo dục để các con hiểu biết để phòng tránh. Nên chia sẻ ở nhiều kênh vì khi trẻ lớn, việc chia sẻ kiến thức lại gặp phải những rào cản tâm lý, gây khó khăn hơn.
Khi phát hiện có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc thân mật tình dục, cần phải đến viện khám và làm xét nghiệm tầm soát để điều trị kịp thời.