Vì sao phụ nữ mang thai thường bị táo bón thai kỳ?
Nhiều mẹ bầu vẫn luôn thắc mắc tại sao mình lại bị táo bón trong khi chế độ ăn rất phong phú các loại rau, củ, quả. Thủ phạm chính gây táo bón thai kỳ là hormon thai kỳ Progesterone làm giãn và giảm hoạt động của nhu động ruột, khiến cho phân khó di chuyển hoặc di chuyển chậm dẫn đến táo bón.
Hơn nữa, khi thai nhi càng lớn, áp lực lên khung xương chậu càng nặng nề và gây xung huyết khiến nguy cơ táo bón gia tăng. Đồng thời, các mẹ bầu uống bổ sung sắt nên dễ bị nóng trong hoặc các loại sữa bầu có hàm lượng chất béo cao cũng dễ dẫn đến táo bón.
Tại sao bà bầu bị táo bón trong khi mang thai lại phổ biến?
Một số yếu tố góp phần dẫn đến táo bón khi mang thai, bao gồm:
Progesterone: Nội tiết tố này đóng vai trò trong việc làm dịu các dây chằng để chuẩn bị cho sinh nở. Nhưng nó cũng gây ra sự co giãn và lỏng lẻo của các dây trong thành ruột.
Thay đổi trong vận động, chế độ ăn uống và buồn nôn. Lượng nước tuần hoàn trong cơ thể giảm cũng ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Trọng lượng của thai nhi trong tử cung, đè lên ruột và tác động của việc này lên các khoảng trống trong bụng khiến chuyển động trong ruột trở nên khó khăn hơn.
Hoạt động của ruột non bị suy yếu. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi thức ăn từ dạ dày, dọc theo ruột non và đi vào ruột già. Chuyển động trong ruột bị chậm lại.
Một số thực phẩm có xu hướng làm trầm trọng thêm táo bón như sữa, thực phẩm từ sữa, phô mai và quá nhiều thịt đỏ. Thức ăn đậm đặc protein có thể khó tiêu hóa hơn so với thức ăn thực vật giàu chất xơ và ngũ cốc. Nhiều phụ nữ đã thay đổi chế độ ăn uống khi mang thai.
Bệnh táo bón khi mang thai có tác hại gì?
Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của chị em bầu mà bệnh táo bón còn khiến phụ nữ mang thai luôn cảm thấy đầy bụng, khó chịu, dẫn đến tâm lý chán ăn, từ đó khiến cho mẹ và bé không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Việc các chất thải không được tống khứ ra ngoài mà tích tụ lâu trong ruột còn có thể lan truyền chất độc, gây hại cho cơ thể cả thai phụ và thai nhi.
Chưa kể việc phải dùng sức để rặn mỗi lần đi vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai. Về lâu dài, táo bón có thể dẫn đến trĩ, viêm đại tràng, ung thư đại tràng cùng nhiều bệnh nguy hiểm khác. Do đó, thai phụ không được coi thường bệnh táo bón mà cần đề phòng và can thiệp từ sớm để hạn chế rủi ro cho mẹ và bé.
Cách giúp bà bầu tránh xa bệnh táo bón khi mang thai
Uống nhiều nước
Bạn cần cố gắng uống ít nhất 2 - 2,5 lít nước lọc mỗi ngày. Trong hơn 9 tháng thai kỳ, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối, tình trạng đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm, vô tình gây cho thai phụ tâm lý ngại uống nước. Đây là điều rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến tình trạng mất nước và khiến cho bệnh táo bón thêm trầm trọng. Và bạn có biết nước rất cần thiết cho quá trình hấp thu chất xơ vào cơ thể?
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai
Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn như rau xanh, các cây họ đậu, trái cây họ cam, chanh, chuối, đu đủ chín, khoai lang, bí đỏ, cà rốt. Một điều cần lưu ý là việc ăn nhiều chất xơ một cách đột ngột sẽ dễ khiến bạn bị đầy hơi, do đó, bạn nên bổ sung chất xơ từ từ vào chế độ ăn hàng ngày để cơ thể thích nghi dần.
Giảm liều lượng canxi và sắt bổ sung
Bạn chỉ nên uống bổ sung canxi và sắt theo chỉ định của bác sĩ chứ không tùy tiện uống theo ý mình. Lượng khoáng chất dư thừa không được cơ thể hấp thụ sẽ là gánh nặng cho đường ruột, làm tăng nguy cơ táo bón. Khi uống bổ sung canxi hoặc sắt, nên chia nhỏ thành nhiều lần uống và uống với nhiều nước vì cả hai khoáng chất này đều sẽ cần một lượng lớn nước để hấp thụ vào cơ thể. Tích cực ăn các thực phẩm chứa sắt và chọn viên sắt hữu cơ để cơ thể dễ hấp thu hơn và không bị kích ứng đường ruột.
Sử dụng dầu oliu cho các món chiên, xào, rán
Tiêu thụ thường xuyên các món chiên, xào, rán nhiều dầu mỡ cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón. Tuy nhiên, phải làm gì nếu bạn chỉ thích ăn các món này? Giải pháp cho bạn là dùng dầu ăn oliu với thành phần gồm dầu oliu nguyên chất và dầu hướng dương tinh luyện. Loại dầu này ít thấm vào thức ăn nên tốt cho dạ dày và cũng không gây ngán, ngấy.
Giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh
Luôn giữ hậu môn sạch sẽ, tránh vi khuẩn xâm nhập, tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập đơn giản không lao lực như đi bộ giúp lưu thông máu và cải thiện tiêu hóa.