Ông Q.T. (38 tuổi, Hà Nội) được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng nửa người trái yếu, không tự vận động được, run tay chân, nói khó.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc chẩn đoán người bệnh bị xuất huyết não. Theo gia đình, người đàn ông có tiền sử cao huyết áp, phải dùng thuốc hàng ngày. Tuy nhiên, gần đây, ông tự ý ngừng thuốc và thường xuyên uống rượu.
Tương tự trường hợp trên, ông V.N. (46 tuổi, Phú Thọ) cũng có tiền sử tăng huyết áp nhưng tự ý bỏ thuốc. Bệnh nhân được người nhà đưa tới viện với nửa người trái yếu, tê bì, nói khó. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết cầu não.
Tương tự, ông V.N. (46 tuổi, Phú Thọ) có tiền sử tăng huyết áp nhưng tự ý bỏ thuốc. Người nhà đưa ông đến viện trong tình trạng nửa người trái yếu, tê bì, nói khó. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết cầu não.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Đức, Phụ trách khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, những ngày cuối năm, đơn vị này tiếp nhận nhiều ca xuất huyết não. Tình trạng này phổ biến ở người 35-50 tuổi, chủ yếu do tăng huyết áp nhưng không duy trì uống thuốc đều đặn hoặc thường xuyên uống rượu.
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não rò rỉ hoặc vỡ đột ngột, dẫn đến chảy máu, cản trở quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến tế bào não. Tình trạng này có thể gây tổn thương não bộ nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, xuất huyết não có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Đức khuyến cáo người mắc bệnh tăng huyết áp cần uống thuốc đều đặn, không được tự ý ngừng thuốc. Đồng thời, người bệnh cần loại bỏ các yếu tố làm tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ đột quỵ như rượu, bia, thuốc lá. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời