Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi đều thấy người đàn ông trung niên là hàng xóm của tôi đẩy vợ ngồi trên xe lăn đi dạo công viên. Người vợ của ông bị tai biến, liệt nửa người cách đây 5 năm. Ông khi đó đang quản lí một nhà hàng. Với số tiền mình kiếm được, ông có thể thuê người chăm sóc vợ. Nhưng điều ông làm khiến ai cũng hết sức ngạc nhiên: Sang nhượng lại nhà hàng và về nhà chăm sóc vợ.
Hai đứa con của ông đều đang du học ở Mỹ. Ông từng nói với tôi rằng, điều vợ ông cần nhất lúc này không gì hết ngoài tình thân. Sự săn sóc, quan tâm sẽ là liều thuốc giúp vợ khỏe lên mỗi ngày. Mỗi sáng nắng ấm, ông thường đẩy vợ dạo một vòng. Hàng ngày, tự tay ông nấu ăn, tắm rửa, đút cơm cho vợ. Thỉnh thoảng tôi còn thấy ông đẩy vợ ra gần cửa sổ, ngồi đọc mấy trang sách vợ thích. Tôi mơ hồ tự hỏi: Giữa cuộc đời bạc bẽo, lắm xảo trá lọc lừa vẫn có một người đàn ông giống như ông sao?
Những lúc rảnh rỗi, tôi cũng thường qua nhà ông mượn vài cuốn sách. Thỉnh thoảng chúng tôi có uống trà và kể vài ba câu chuyện. Lúc nào ông cũng kể về vợ mình. Hai người cưới nhau lúc hai bàn tay trắng. Ông kể ngày xưa vợ mình phải làm lụng cực nhọc, lo toan như thế nào để ông có được ngày hôm nay. Ông bảo rằng, cả đời mệt mỏi rồi, vợ ông bây giờ xứng đáng được nghỉ ngơi. Là vợ chồng, ông không thể bỏ mặc người vợ của mình. Nằm một chỗ 5 năm, bác sĩ nói sức khỏe bà ấy dạo này không tốt, càng ngày càng yếu đi. Ông mong những ngày cuối đời, bà ấy được sống vui vẻ và thanh thản nhất… Điều tốt đẹp mà ông có được trong cuộc đời này chính là được gặp gỡ, kết hôn và chung sống với bà ấy.
Tôi từng nhớ mình đã đọc được ở đâu đó rằng: “Tình thân là duyên phận chỉ có một lần. Bất luận kiếp này có được ở bên nhau bao lâu, nhất định phải trân trọng khoảnh khắc lúc ở bên nhau. Kiếp này dù gắn bó với nhau như thế nào thì kiếp sau chưa chắc đã có thể gặp lại”. Vợ chồng gặp nhau là duyên, được là cha mẹ, con cái, người thân của nhau chính là phước phần lớn nhất trong cuộc đời. Vậy tại sao không trân trọng lại làm đau lòng chính người thân, máu mủ của mình?
Trong cuộc sống gia đình, chúng ta thường xem nhẹ, thường ít trân trọng thời khắc tình thân bên nhau cho đến khi những thứ ấy vụt mất. Tôi đã từng chứng kiến một người bạn thân, khóc lóc, đau khổ vì cha đột ngột mất vì đột quỵ. Bạn tôi bảo rằng: “Bao nhiêu năm làm con, chưa từng ngồi tâm sự với ba một lần. Từng ấy năm chưa từng nói với ba một câu rằng thương ba. Cứ ngỡ ba còn nhiều thời gian lắm, ai ngờ… Bây giờ thì không còn cơ hội nữa rồi!”.
Con người đôi khi không hài lòng với hoàn cảnh mình sinh ra. Nhiều người còn ao ước mình có ba, có mẹ giàu sang hơn. Nhiều người khác lại hối hận vì lỡ chọn sai người để kết hôn. Bao nhiêu kẻ lại thấy mệt mỏi vì anh em luôn xích mích, mâu thuẫn. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi bản thân mình đã đối xử tốt, sống cạn lòng mình với người bạn đời, với người thân của mình hay chưa?
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, tôi chợt nghĩ thiên hạ ngoài kia, vĩnh viễn sẽ không xem chúng ta là người nhà. Vậy hà cớ gì chúng ta lại không thương yêu và trân trọng tình thân của mình? Được là vợ chồng, là anh em, là ruột thịt là phước phần lớn nhất trong cuộc đời này mà chúng ta có. Duyên phận ấy chỉ có một lần duy nhất. Hãy sống và yêu thương trọn vẹn ở cuộc đời này, đừng hẹn đến kiếp sau…