Bệnh nhân là N.Q.Đ. (55 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cấp cứu vì đau bụng kéo dài.
Người đàn ông này cho biết 7 ngày trước có ăn cơm với cá. Sau bữa cơm này, ngày nào ông Đ. cũng bị đau bụng quanh rốn. Thấy cơ đau ngày càng tăng nặng nên gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra.
Tại đây, kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy có dị vật đường tiêu hóa xuyên thủng thành ruột. Bác sĩ nghi ngờ dị vật là xương cá từ bữa ăn trước đó.
Sáng 24/6, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi kiểm tra ổ bụng, tìm được chiếc xương cá dài 4 cm cắm thủng thành ruột non. Sau khi lấy chiếc xương ra ngoài, nam bệnh nhân được làm sạch ổ bụng, khâu ruột non.
Theo ThS.BS Nguyễn Tất Thành, khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, hóc dị vật là tai nạn đường tiêu hóa thường gặp ở thực quản, dạ dày. Nếu không được xử lý kịp thời, sự cố sẽ để lại một số biến chứng như tạo ổ áp xe, chảy máu, thủng…
Khi nghi có dị vật đường tiêu hóa, người bệnh nên đến cơ sở y tế để gắp qua nội soi. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, không đau. Người dân tuyệt đối không nên chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian bởi nếu dị vật để lâu có thể gây thủng ruột, nhiễm trùng, áp xe và nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh không nuốt các dị vật này, bác sĩ khuyến cáo mọi người khi ăn uống cần lưu ý khi ăn cá, nên ăn các loại cá đã lóc xương như phile, ăn chậm, nhai kỹ; ăn trái cây có hạt cũng nên bổ ngang thay vì bổ dọc.
Bên cạnh đó, mùa nắng nóng là điều kiện cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày. Vì vậy, người dân cũng cần lưu ý trong việc lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách.