Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể con người. Tuyến nội tiết này đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra các hormone điều hòa quá trình chuyển hóa năng lượng cho sự phát triển của cơ thể và hệ thần kinh. Tuyến giáp hoạt động không hiệu quả sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe như rối loạn cân nặng, trầm cảm, mất năng lượng...
Điều trị các bệnh về tuyến giáp cần thời gian lâu dài để cân bằng hormone. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chữa bệnh. Bên cạnh bổ sung các thực phẩm có lợi cho việc điều trị, bạn nên tránh xa những món ăn dưới đây.
Món ăn chế biến sẵn
Không chỉ là "hung thần" của người bị tim mạch, máu nhiễm mỡ, đái tháo đường,... thực phẩm chế biến sẵn còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho bệnh nhân mắc các vấn đề về tuyến giáp.
Trong các loại thực phẩm chế biến sẵn thường có thành phần đậu nành, calo rỗng hay các chất phụ gia nên không tốt cho sức khỏe cũng như người bị các bệnh về tuyến giáp.
Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn còn chứa hàm lượng chất béo cao gây suy giảm khả năng sản xuất thyroxin của tuyến giáp. Thậm chí, hàm lượng chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn còn làm giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh suy giáp.
Món ăn từ đậu nành (đậu tương)
Đậu nành có nhiều tác dụng trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch, cải thiện sinh lý cũng như giảm tình trạng "khô hạn" ở phụ nữ. Tuy nhiên, thực phẩm này lại là hiểm họa đối với người mắc các vấn đề về tuyến giáp.
Đậu nành rất giàu hormone phytoestrogen (plant estrogen) có tác dụng trên một số rối loạn ở giai đoạn hậu mãn kinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy lượng estrogen tăng cao sẽ làm giảm khả năng sản xuất thyroxin - một trong hai hormone rất cần thiết để điều hòa sự chuyển hóa protein, chất béo, carbohydrate và vitamin trong cơ thể người.
Nguyên nhân gây ra các bệnh về tuyến giáp thường là rối loạn iốt. Trong khi đó, chất isoflavone có trong đậu nành lại ức chế và làm cản trở hoạt động của enzyme peroxidase (thành phần quan trọng để ôxy hóa i-ốt tạo ra hormone tuyến giáp) dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, không tập trung, trí nhớ kém và bướu cổ.
Ngoài ra, đậu nành còn chứa nhiều goitrogen - hoạt chất thúc đẩy tình trạng phình tuyến giáp trở nên trầm trọng. Ăn quá nhiều đậu nành có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực và "kích hoạt" các bệnh về tuyến giáp. Trong một số trường hợp, đậu nành còn gây ức chế khả năng hấp thụ thuốc điều trị các bệnh về tuyến giáp.
Khi mắc bệnh mất cân bằng hormone hoặc rối loạn chuyển hóa tuyến giáp, bạn nên hạn chế sử dụng đậu nành hay các phụ phẩm từ nguyên liệu này.
Món ăn chứa gluten
Gluten là tên gọi chung cho một chất đạm (main protein) có tác động nhiều đến hệ tiêu hóa. Gluten được tạo nên từ quá trình liên kết giữa glutenin và gliadin mang lại độ dẻo cho bột mì. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mì, bánh quy, bánh ngọt,...
Nhiều nghiên cứu cho thấy gluten có thể làm hỏng ruột non của người mắc bệnh Celiac (chứng rối loạn tự miễn toàn thân được kích hoạt bởi peptid gluten). Đặc biệt, những tổn thương do chứng rối loạn miễn dịch toàn thân do peptid gluten còn kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng và làm gia tăng bệnh Hashimoto (tuyến giáp chưa hoạt động) và bệnh Graves (tuyến giáp hoạt động quá mức).
Khi bị bệnh Celiac, bạn nên tuân thủ chế độ ăn uống không chứa gluten để ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp.