Sảy thai là nỗi đau mà người mẹ và người thân hiểu rõ nhất.
Nhưng tại sao rất nhiều người lại bế tắc không biết nói gì để san sẻ nỗi đau cùng chính người nhà mình? Tại sao người ta lại thường giữ im lặng dù cũng rất đồng cảm và xót thương?
Xét cho cùng, trong xã hội hiện đại ngày nay, sảy thai không hề hiếm gặp. Ở Anh, tỉ lệ sảy thai là 25%, và trong năm 2016, có 3.112 ca chết lưu - tức là trong 225 lần sinh nở, có một bé mất sớm.
Đối mặt với nỗi đau
Trong dự án "Cái chết trước khi chào đời" (DBB), các nhà khoa học đã tìm hiểu kinh nghiệm của những gia đình từng trải qua nỗi đau này, và đặc biệt quan tâm đến những phép ẩn dụ mà mọi người sử dụng.
Ẩn dụ là cách người ta dùng cái này để định nghĩa cái khác, họ có thể gọi một “sự mất mát” là một “hành trình”. Ta hay dùng ẩn dụ khi ta muốn nhắc đến những điều đau buồn, như trầm cảm, đau đớn và chết chóc. Trong trường hợp này, ẩn dụ có thể giúp xua tan sự im lặng não nề mỗi khi nhắc tới chuyện sảy thai.
Những người mẹ mất mát cả thể chất và tinh thần, người ta gọi đó là “sự trống rỗng”. Con cái là máu thịt của họ, họ là những người cảm nhận sự trống rỗng sâu sắc nhất. Để bù đắp cho sự mất mát này, nhiều người trong cuộc phỏng vấn đã xăm tên em bé - hoặc các ký hiệu gợi nhớ đến bé.
Người ta còn dùng nói giảm nói tránh, hoặc cố gắng nói sang những điều tích cực hơn. Và đối với nhiều người, những đứa trẻ mất nhưng linh hồn vẫn còn, một phụ huynh còn muốn mai táng con trai mình cùng những đứa bé khác cho có bạn có bè.
Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã chia sẻ rằng, một điều quan trọng nữa là cha mẹ được quyền ôm ấp và tắm rửa cho con mình. Dù là sảy thai hay là các bé có mất sớm thì người ta vẫn là cha là mẹ.
Khi được phỏng vấn, nhiều người đồng thuận rằng, sau sự mất mát ấy, vẫn nên tham gia các khóa học làm cha mẹ trong vài năm tiếp đó. Nhiều người đã đi tình nguyện chăm sóc trẻ mồ côi - một cặp vợ chồng còn chia sẻ rằng, đây là cách duy nhất để chăm sóc cho đứa con đã mất.
Vậy phải nói gì đây?
Ta phải mở lời như thế nào với gia đình có người sảy thai đây? Nhiều người rất muốn an ủi, giúp đỡ nhưng lại không biết nói gì. Các nhà khoa học cho rằng, đầu tiên, đừng ngại hỏi chuyện về đứa trẻ (và gọi thẳng tên bé nếu có) thay vì chỉ đơn giản là “rất cảm thông trước nỗi mất mát của anh chị”.
Hỏi thêm về bé, chẳng hạn như hỏi tên hoặc đồ chơi mà cha mẹ có thể đã chọn trước. Điều này cho thấy, danh tính và sự tồn tại của đứa trẻ đối với gia đình, họ hàng rất quan trọng.
Nhiều cha mẹ tâm sự rằng, họ như đang sống trong một “thế giới khác”, rằng với họ, thời gian như ngừng trôi: "Thật sự rất đau khổ, cái giây phút bạn bước chân ra khỏi bệnh viện, thế giới vẫn tiếp tục xoay vần, nhưng thế giới trong chính bạn đã đứng sững lại".
Khái niệm thời gian không còn tồn tại với họ nữa, mỗi ngày có thể dài đằng đẵng như một đời người, nhưng cũng có lúc họ coi một tuần như một khoảnh khắc thoáng qua.
Khi nói chuyện cùng những người như vậy, bạn phải thật nhạy cảm, để ý cảm giác của họ. Đừng nói mấy câu đại loại như: “Thời gian sẽ chữa lành vết thương”, hay, “mọi chuyện rồi sẽ qua”, đừng nói “tốt nhất bây giờ nên…” hay “phải vượt qua…”. Thay vào đó, chỉ cần hỏi thăm họ trong ngày hôm đó cảm thấy thế nào.
Hãy dùng ngôn từ biểu đạt sự đồng cảm với những gì họ đang trải qua. Tránh nói những câu của kẻ đứng ngoài cuộc, chẳng hạn như "Không thể tưởng tượng/ tin nổi mọi chuyện đã xảy ra". Thay vào đó, hãy chỉ thủ thỉ: “Tôi ở đây để lắng nghe bạn".
Tạm Kết
Điều quan trọng nhất để vượt qua nỗi đau là chịu chấp nhận nỗi đau đó. Hãy cất lên tiếng nói, đối mặt với nỗi đau, và xua tan sự im lặng.